Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghị quyết 30a làm thay đổi diện mạo các huyện nghèo ở Thanh Hóa

(Dân sinh) - Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 30a trên địa bàn, 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân- đã thoát khỏi huyện nghèo tháng 3/2018), đời sống của người dân nơi đây đã dần ổn định, kinh tế - xã hội có bước chuyển biến rõ rệt, tình hình an ninh, quốc phòng được giữ vững, diện mạo các huyện nghèo đã thay đổi rõ rệt...

Đẩy mạnh các chính sách trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững

Tại 7 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a (huyện Như Xuân mới ra khỏi huyện nghèo 7/3/2018), hiện nay có 102 xã, 7 thị trấn. Trong đó, có 71 xã thuộc Chương trình 135 (giai đoạn 2016-2020); diện tích của 7 huyện là 593.048 ha (chiếm 53% diện tích toàn tỉnh); có 106.083 hộ, 453.512 khẩu, trong đó: có 18.412 hộ nghèo (chiếm 17,36%), 20.963 hộ cận nghèo, (chiếm 19,76%); có 83.012 hộ và 360.799 khẩu dân tộc thiểu số, chiếm 78,25% số hộ, trong đó: có 17.235 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 93,6% số hộ nghèo, 18.525 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 88,37% số hộ cận nghèo; cơ cấu GRDP: nông nghiệp 33,2%, công nghiệp 21,0%, dịch vụ là 45,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng. 

Nghị quyết 30a làm thay đổi diện mạo các huyện nghèo ở Thanh Hóa - Ảnh 1.

Từ hỗ trợ vốn ưu đãi theo Chương trình 30a, chị Hà Thị Tưới, bản Pọong xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh đã đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Xuất phát điểm của 7 huyện nghèo thấp, sản xuất chỉ mang tính tự cung tự cấp, tập quán sản xuất lạc hậu, công nghiệp và dịch vụ lại chậm phát triển; diện tích đất canh tác ít, địa hình dốc, không chủ động được nước tưới lại thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán kéo dài nên sản xuất nông nghiệp chậm phát triển, điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn lao động dồi dào nhưng phần lớn chưa qua đào tạo, chất lượng lao động thấp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và công tác giảm nghèo. 

Xác định rõ, Nghị quyết 30a là chương trình lớn, có ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội, được toàn xã hội quan tâm nhằm thực hiện tốt hơn các chương trình, chính sách, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các huyện nghèo, Thanh Hoá đã tập trung vào 4 chính sách lớn nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững tại 7 huyện nghèo là hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ phát triển dạy nghề nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 30a, tỉnh Thanh Hóa đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững. 

Cụ thể, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững và công tác dân tộc, miền núi trên địa bàn các huyện nghèo khoảng trên 17.066.273 triệu đồng, gồm: Vốn Chương trình 30a do Trung ương phân bổ là 2.856.529 triệu đồng (vốn đầu tư 1.953.409 triệu đồng, vốn sự nghiệp duy tu 143.559 triệu đồng, vốn sự nghiệp phát triển sản xuất 759.561 triệu đồng); Vốn Chương trình 135 do Trung ương phân bổ là 1.730.369 triệu đồng (vốn đầu tư 1.357.574 triệu đồng, vốn sự nghiệp 372.795 triệu đồng); Vốn Ngân sách Trung ương thực hiện các chính sách, dự án, đề án hỗ trợ giảm nghèo và công tác dân tộc, miền núi là 4.500.000 triệu đồng; Vốn Ngân sách địa phương (đối ứng để thực hiện Chương trình 30a, Chương trình 135) và các chính sách, dự án, đề án đặc thù là 380.000 triệu đồng, trong đó: vốn thực hiện các chính sách, dự án đặc thù là 33.974 triệu đồng; Vốn hỗ trợ từ các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đỡ đầu các huyện nghèo theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ 224.424 triệu đồng; Vốn tín dụng ưu đãi lãi xuất từ ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng thương mại: 7.274.951 triệu đồng; Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh thông qua cuộc vận động Quỹ vì người nghèo hàng năm và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh hỗ trợ các huyện nghèo trên 100.000 triệu đồng. Trong đó, các huyện miền xuôi đã kết nghĩa, hỗ trợ chia sẽ kinh nghiệm, chuyển giao một số tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho cán bộ và người dân các huyện nghèo; hỗ trợ kinh phí trên 20.000 triệu đồng, để xây dựng 2 trạm y tế, 8 phòng học bán trú, cùng nhiều nhà văn hóa, công trình nước sạch, điện chiếu sáng, nhà ở cho hộ nghèo và giống cây trồng, vật nuôi, sách, đồ dùng cho học sinh; các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh đã giúp đỡ, thăm hỏi động viên hộ nghèo, hộ chính sách, trẻ em khó khăn tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên được phân công giúp đỡ với tổng số tiền và hiện vật, xi măng trị giá trên 2.000 triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, công chức viên chức.

Nghị quyết 30a làm thay đổi diện mạo các huyện nghèo ở Thanh Hóa - Ảnh 2.

Nghề dệt thổ cẩm giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

Với sự hỗ trợ từ Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; các cấp ủy đảng… Nghị quyết 30a đã làm thay đổi diện mạo tại 7 huyện nghèo. 

Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2010, 7 huyện nghèo giảm được 4.803 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,9%, bình quân giảm 4,45%/năm, tốc độ giảm nghèo cao gấp 1,35 lần bình quân chung toàn tỉnh (toàn tỉnh là 3,30%/năm); tốc độ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 30a; các huyện có tốc độ giảm nghèo nhanh là Bá Thước, Thường Xuân. 

Giai đoạn 2011-2015, 7 huyện nghèo giảm được 30.585 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 33,27%, bình quân 6,65%/năm, tốc độ giảm nghèo cao gấp 1,86 lần bình quân chung toàn tỉnh (toàn tỉnh giảm 3,57%/năm); giảm 3.132 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 4,4%, bình quân 0,88%/năm, bằng 0,86 lần bình quân chung toàn tỉnh (toàn tỉnh giảm 1,02%/năm). Tốc độ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu Chương trình 30a, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đề ra (mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6-7%/năm); các huyện có tốc độ giảm nghèo nhanh là Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Quang Hóa và Như Xuân.

Giai đoạn 2016 - 2018, 7 huyện nghèo giảm được 16.475 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 16,54%, bình quân 5,51%/năm, tốc độ giảm nghèo cao gấp 2,08 lần bình quân chung toàn tỉnh (toàn tỉnh là 2,64%/năm); số hộ cận nghèo tăng 3.707 hộ (từ 17.256 hộ lên 20.963 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 2,99%, bình quân 1,0%/năm. Các huyện có tốc độ giảm nghèo cao là Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân, Lang Chánh.

Nghị quyết 30a làm thay đổi diện mạo các huyện nghèo ở xứ Thanh

Với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ chính quyền và nhân dân 7 huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người 7 huyện nghèo cuối năm 2018 đạt trên 25 triệu đồng/năm, cao gấp 4,6 lần cuối năm 2017 (năm 2017 là 5,4 triệu đồng/người/năm), cơ bản đạt mục tiêu đề ra (mục tiêu là 3,6 lần); bằng 0,55 lần thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh (thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2018 đạt 1.990 USD, tương đương 46 triệu đồng). Đặc biệt, tháng 3/2018, huyện Như Xuân đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Đời sống người dân đã đổi thay rõ rệt

Với sự cố gắng của các huyện, cùng với sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và các sở, ban ngành cấp tỉnh, các huyện nghèo đã hoàn chỉnh đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững. 

Có thể nói, Nghị quyết 30a đã được triển khai có hiệu quả tại 7 huyện nghèo tỉnh Thanh Hoá. Đời sống của người dân nơi đây đã được ổn định. Cơ sở hạ tầng không ngừng được nâng cấp khang trang hơn. Từ việc được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về giống, vật nuôi... người dân cơ bản đã tích cực chủ động tăng gia sản xuất, tạo ra nhiều việc làm cho lao động tại chỗ, thu nhập người dân nhờ đó đã được ổn định.

Nghị quyết 30a làm thay đổi diện mạo các huyện nghèo ở Thanh Hóa - Ảnh 4.

Một góc huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Đánh giá về về diện mạo các huyện nghèo sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhìn chung, đời sống của người dân tại các huyện nghèo thuộc diện 30a đã được ổn định, nhận thức của họ cũng đã được nâng lên. Họ đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng xuất lao động tăng, hiệu quả kinh tế đã được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận ỷ lại Nhà nước, không chịu tập trung sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhiều hộ gia đình đã lợi dụng chính sách của Nhà nước để tách hộ nhằm hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước". 

Trong thời gian tới, cần rà soát lại lao động ở từng độ tuổi để có chính sách hỗ trợ ngắn, dài sao cho phù hợp nhằm phát huy hiệu quả tối đa. Để Nghị quyết 30a triển khai có hiệu quả hơn nữa tại 6 huyện nghèo của tỉnh, cần tích cực tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn sự hỗ trợ của Nhà nước, từ đó mà vươn lên chủ động tăng gia sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất bền vững thì người dân tại các huyện nghèo mới không ỷ lại, mà sẽ tích cực chủ động tăng gia sản xuất để thoát nghèo bền vững và tiến tới làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình- ông Quyền nhấn mạnh.