Quay lại Dân trí
Dân Sinh

3 yếu tố quyết định giúp cứu sống bệnh nhi đã ngưng tim

(Dân sinh) - Sở Y tế phối hợp Ban thi đua khen thưởng thành phố đã đến bệnh viện Nhi Đồng 1 trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBNDTP cho các cá nhân và tập thể của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phối hợp qua quy trình báo động đỏ liên viện cứu sống cháu bé từ bệnh viện tỉnh Bình Thuận chuyển đến trong tình trạng nguy kịch do viêm cơ tim tối cấp.

Trước đó, bé gái 12 tuổi V.N.T.O, nhà ở Bình Thuận cấp cứu trong tình trạng trái tim của bé rời rạc, chậm dần và ngưng đập ngay khi được xe cứu thương chuyển đến BV Nhi Đồng 1 vì bị viêm cơ tim tối cấp.

Hình ảnh "bác sĩ khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 liên tục hướng dẫn qua điện thoại cho bác sĩ trên xe cứu thương, "bác tài" của xe cứu thương thì tập trung cao độ để chạy xe với tốc độ nhanh nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo an toàn, trong khi đó, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương mang theo thiết bị bổ sung cần thiết để thực hiện kỹ thuật ECMO ngay khi bệnh nhân được chuyển đến,…" cho thấy sự phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng, tất cả để giành giật lấy sự sống ở một bé gái 12 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp, ở cách TPHCM hơn 200 km.

Có thể nói đây là một thực tiễn sống động của Ngành Y tế thành phố, mở ra một hướng mới trong cấp cứu người bệnh nguy kịch ngay cả khi người bệnh ở rất xa thành phố, đó là nếu phối hợp được 3 yếu tố mang tính quyết định thì sẽ gia tăng cơ hội cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch, đó là:

Thứ nhất, sự phối hợp nhịp nhàng của các bệnh viện khi kích hoạt quy trình báo động đỏ, trong trường hợp này, cả 3 bệnh viện gồm bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp nhịp nhàng, phối hợp từ xa khi nhận được tín hiệu báo động đỏ liên viện.

3 yếu tố quyết định giúp cứu sống bệnh nhi viêm cơ tim tối cấp đã ngưng tim - Ảnh 1.

Bé gái V.N.T.O đến tái khám và chụp hình lưu niệm với các bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 và Bv Chợ Rẫy

Thứ hai, ứng dụng hiệu quả kỹ thuật can thiệp chuyên sâu trong điều trị khẩn cấp, như trong trường hợp này là kỹ thuật ECMO của chuyên ngành Hồi sức (trao đổi oxy qua màng với tuần hoàn ngoài cơ thể).

Thứ ba, yếu tố chi phí cho kỹ thuật cao đã được bệnh viện không đưa vào điều kiện tiên quyết để xem xét chỉ định, thay vào đó là tính quyết định mang tính sống còn đối với các kỹ thuật điều trị chuyên sâu tương ứng với chẩn đoán bệnh.

Trường hợp chạy ECMO để cứu sống bé gái này với chi phí hơn 400 triệu, trong đó BHYT đã thanh toán 259 triệu, phần còn lại gia đình đóng, nếu gia đình không có khả năng chi trả thì bệnh viện đã có phương án huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Sở Y tế ghi nhận và trân trọng sự tham gia hiệu quả quy trình báo động đỏ liên viện trong thời gian qua của các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố đã cứu sống nhiều trường hợp rất nguy kịch, trong đó không thể không nhắc đến BV Chợ Rẫy đã nhiệt tình cử ngay các chuyên gia khi nhận được tín hiệu báo động đỏ của các bệnh viện trên địa bàn thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam.