Quay lại Dân trí
Dân Sinh

5 cách để bố mẹ không phải đau đầu nghĩ "Cho con chơi gì"

Bố mẹ có thể kéo con ra khỏi màn hình tivi, điện thoại, máy tính bằng những hoạt động quen thuộc dưới đây.

Trẻ em ngày nay đang lớn lên trong một thế giới thật khác biệt! Phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Nhưng, với các tiện ích trên tay khiến mắt lúc nào cũng dán chặt vào màn hình, đôi khi trẻ bỏ lỡ những thú vui và truyền thống đơn giản vốn là một phần của những năm tháng trưởng thành của chính bạn.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc nuôi dạy con cái là nuôi dạy những đứa trẻ có tầm nhìn cân bằng trong cuộc sống. Để giải quyết thách thức này, bạn có thể nhìn lại thời thơ ấu của chính mình và tìm cách kết hợp, điều chỉnh những trải nghiệm có thể giúp con bạn đứng vững trong thế giới thực.

5 trải nghiệm ấu thơ “ngày xưa ấy” chắc chắn sẽ khiến con bạn thích thú - Ảnh 1.

Nếu con bạn cần một chút giúp đỡ để thoát ra khỏi vỏ ốc rụt rè của chúng, hãy bắt đầu với một nhóm khán giả thân mật, gồm 1-2 người (Ảnh minh họa).

Dưới đây là 5 hoạt động cũ mèm nhưng luôn thú vị với trẻ nhỏ:

1. Chúc mừng sinh nhật theo phong cách cũ

Gia đình và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống mỗi chúng ta. Điều đó lý giải tại sao mỗi cột mốc trong cuộc đời một người được coi là lý do để tổ chức lễ kỷ niệm. Trong đó, không thể không nhắc tới sinh nhật của trẻ em. Ngoài những thứ quen thuộc như bánh, kẹo, trái cây…, bạn có thể tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho con theo kiểu "của ba mẹ ngày xưa": với những món quà nhỏ là sách, vở, bút, cặp tóc… bọc bằng giấy báo. Bạn cũng có thể hồi sinh các trò chơi vui nhộn biến tấu từ hái hoa dân chủ, cờ cá ngựa, làm theo hiệu lệnh quản trò...

Hãy nhớ rằng trẻ em không đòi hỏi các trò chơi phức tạp để thưởng thức bữa tiệc. Tất cả những gì trẻ cần là ở giữa gia đình và bạn bè, ăn thức ăn ngon và vui chơi trong khi giành được quà tặng là những món đồ chơi nho nhỏ!

5 hoạt động cũ mèm nhưng trẻ chẳng bao giờ biết chán, bố mẹ cũng không phải đau đầu nghĩ "Cho con chơi gì" - Ảnh 2.

Ngay cả khi ở trong nhà cũng rất nhiều hoạt động thú vị cho trẻ chơi (Ảnh minh họa).

2. Tổ chức buổi diễn tại gia

Hẳn bạn vẫn còn nhớ kỷ niệm những lần cha mẹ yêu cầu bạn hát, nhảy (hoặc đọc một bài thơ) trước mặt người thân. Một số có thể sợ hoạt động này, nhưng nếu vượt qua được, bạn sẽ thấy sự tự tin của mình dâng lên gấp bội. Nếu con bạn cần một chút giúp đỡ để thoát ra khỏi vỏ ốc rụt rè của chúng, hãy bắt đầu với một nhóm khán giả thân mật, gồm 1-2 người.

Thực hành đều đặn hoạt động này giúp trẻ phát triển khả năng tự tin đứng trên sân khấu, chuẩn bị sẵn sàng cho những bài thuyết trình ở trường và tại nơi làm việc sau này. Đây cũng là cách để khuyến khích trẻ nuôi dưỡng tài năng của mình.

Tuy nhiên, nếu con bạn không có xu hướng biểu diễn, hãy tìm những tài năng khác mà trẻ có thể thể hiện. Ví dụ, chia sẻ một số mẫu vẽ hoặc câu chuyện tự sáng tác của trẻ nếu con bạn thích thú với việc thể hiện bản thân trên giấy nhiều hơn.

3. Chơi ngoài trời

Cho dù đó là nhảy dây, bịt mắt bắt dê, trốn tìm, tạt lon, chiếm đồn…, các trò chơi đường phố truyền thống luôn là một cách tuyệt vời để tiêu pha khoảng thời gian rảnh rỗi của trẻ. Nếu trò chơi điện tử có thể tăng cường sự phối hợp tay và mắt, thì chơi ngoài trời lại giúp cải thiện các kỹ năng khác về thể chất như chạy và nhảy, và cả nhận thức, chẳng hạn như chiến lược và làm việc theo nhóm.

5 hoạt động cũ mèm nhưng trẻ chẳng bao giờ biết chán, bố mẹ cũng không phải đau đầu nghĩ "Cho con chơi gì" - Ảnh 4.

4. Chơi trong nhà

Trong một thành phố đông đúc, chật chội, đôi khi nó khó tìm được không gian an toàn cho các trò chơi ngoài trời, nhưng có rất nhiều hoạt động khác không đòi hỏi nhiều diện tích. Các trò chơi bài (board game), tô màu, gấp giấy, làm thủ công… hứa hẹn hàng giờ vui vẻ mà không cần đến màn hình. Thậm chí, bạn vẫn có thể tổ chức một số trò chơi vận động nhỏ trong nhà cho con (sử dụng băng dính tạo thành các ô vuông trên sàn nhà và có thể tận dụng để tạo ra một loạt trò chơi như nhảy theo hiệu lệnh, nhảy theo phép toán…). Chơi trong nhà là một cách tốt để trẻ phát triển sự tập trung và, trong trường hợp các trò chơi nhập vai, nó còn giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng.

5. Cùng con vào bếp nấu món ăn truyền thống

Thức ăn có thể được coi là một trong những ngôn ngữ tình yêu. Dù con trai hay con gái, trẻ nên có cơ hội để tự tay chế biến và thưởng thức những món ăn truyền thống. Hoạt động này mang lại rất nhiều lợi ích với không chỉ riêng trẻ mà còn đối với sự gắn kết của cả gia đình. Làm bánh trôi, bánh chay vào dịp Tết Hàn thực; chuẩn bị món rượu nếp và thực hiện nghi thức ăn rượu nếp, trái cây vào buổi sáng Tết Đoan ngọ, thực hành làm bánh dẻo, bánh nướng dịp Tết Trung Thu hay tập gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán… Nếu bạn dành tâm huyết và niềm vui vào những hoạt động này, chắc chắn bạn sẽ thu hút được sự quan tâm và yêu thích của trẻ.