Quay lại Dân trí
Dân Sinh

5 ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

(Dân sinh) - Ngày 18/11 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để thông tin về sự kiện Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021.

Quyết tâm và ưu tiên cao nhất thực hiện thành công trọng trách này

Ngày 4/11 vừa qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra tại Bangkok, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Vương quốc Thái Lan, với sự hân hoan và chia sẻ của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN, cũng như các đại biểu, đối tác của ASEAN tham dự Hội nghị.

Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trọng trách rất lớn của toàn Đảng, Chính phủ, các cấp, bộ ngành và nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên từ ngày 1/1/2020. Năm 2020 có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng.

Với ASEAN, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, kiểm điểm giữa kỳ triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 5 năm tới.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn nhưng mang lại nhiều cơ hội.

Theo đó, "Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây và phát huy những kinh nghiệm nhất định về phát triển kinh tế-xã hội, về tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017…

Từ bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại… các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN cũng như căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: "Gắn kết và Chủ động thích ứng".

5 ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan

Với chủ đề này, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên gồm:

Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên;

Nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới;

Tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh...

Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Năm là, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN cải tiến thể chế, tăng cường bộ máy hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Hai Hội nghị Cấp cao trong khuôn khổ 300 hội nghị

Thứ trưởng cho rằng, khối lượng công việc mà Việt Nam sẽ đảm nhiệm trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ rất nặng nề, cả về nội dung lẫn công tác tổ chức, lễ tân, tuyên truyền. Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau.

Trong đó quan trọng nhất là hai Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11 (khoảng 20 đoàn), Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á vào tháng 8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (khoảng 30 đoàn), các Hội nghị Bộ trưởng của 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội; các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng phụ trách về Tội phạm xuyên, Kinh tế, Tài chính, Môi trường, Giao thông Vận tải… và nhiều hội nghị cấp Thứ trưởng và cấp làm việc để chuẩn bị nội dung cho các hội nghị trên.

Xác định được yêu cầu và nhiệm vụ trên, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 cho biết, Việt Nam đã khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm với sự thành lập của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12/2018.

Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, sẵn sàng toàn bộ cả về bộ máy tổ chức, nhân lực, đã có các đề án, kế hoạch hành động tổng thể cho năm ASEAN 2020.

Trước mắt, Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị cho Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra vào tháng 01/2020 tại Khánh Hòa, - là hoạt động lớn đầu tiên, mở đầu Năm Chủ tịch ASEAN 2020.


Ủy ban Quốc gia gồm: Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Ba Phó Chủ tịch là: Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Tổng Thư ký UBQG là Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và 25 thành viên là lãnh đạo các Bộ, Cơ quan tham gia hợp tác ASEAN.

Trực thuộc UBQG ASEAN 2020 có 05 Tiểu ban (Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Lễ tân, Tiểu ban Vật chất - Hậu cần, Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa, Tiểu ban An ninh - Y tế) và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.