Quay lại Dân trí
Dân Sinh

50 năm mơ các con về

(Dân sinh) - Đã 45 năm sau ngày Đại thắng, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, thế hệ trẻ thời bình chỉ biết đến chiến tranh qua những thước phim tài liệu, tranh ảnh, sách bảo, các giờ học lịch sử, qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Nhưng với những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc khi các con của mẹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Các bà mẹ vẫn đau đáu, khắc khoải trông chờ mong tìm được hài cốt con mình để đón về quê hương.

Một sáng giữa tháng 7, chúng tôi tìm về nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tứ, ở xóm 2 xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Trời nắng như đổ lửa, gió Lào rát bỏng. Mẹ Hồ Thị Tứ ngồi ở sân nhìn ra con ngõ dẫn vào nhà mình. Đôi mắt mẹ xa xăm, chứa đựng một nỗi u buồn khó tả. Đã 93 tuổi, mái tóc mẹ bạc phơ, thân hình mẹ khô héo, dường như không còn nước mắt để khóc khi nhắc đến các con mình.

Mẹ Tứ nhớ lại: "Hồi đó chiến tranh đang ác liệt, ông ấy (Chồng mẹ tứ) đang đi dân công hỏa tuyến thượng Lào. Các con lớn lên cũng đều đi bộ đội và đi dân công cả. Hai đứa con gái đi dân công thì còn sống. Năm đứa con trai đi bộ đội thì hy sinh mất hai đứa. Từ ngày hai con trai hy sinh đến giờ, mấy chục năm ni, đêm mô cũng mơ thấy các con về cả".

50 năm mơ các con về - Ảnh 1.

Mẹ Tứ vẫn hy vọng, chờ mong tìm được hài cốt con trai để đón về quê an táng.

Nhà mẹ Tứ có 11 người con, 6 trai, 5 gái. Lúc này ông Lưu Phi Vợi, chồng mẹ Tứ đang tham gia dân công hỏa tuyến vùng thượng Lào. Mẹ Tứ một mình lao động sản xuất nuôi các con khôn lớn. Sau khi học xong, các con của mẹ đều lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Hai chị đầu đều tham gia dân công hỏa tuyến. hai anh tiếp theo đều nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ bảo vệ tổ quốc. Năm 1971, anh Lưu Phi Hường, nhập ngũ chiến đấu rồi hy sinh năm 1971 tại Long An. Năm 1972, anh Lưu Phi Vinh cũng nhập ngũ chiến đấu rồi hy sinh năm 1972 tại Quảng Trị.

"Nhận giấy báo tử, mẹ đau đớn lắm. Nhưng khi đó cả nước đang chiến đấu nên đành ngậm nỗi đau để tiếp tục lao động sản xuất cùng cả nước chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Đến nay đau đớn nhất vẫn là chưa tìm được hài cốt Vinh để đưa về quê hương", mẹ Tứ buồn bã nói.

Đến nay hài cốt của liệt sỹ Lưu Phi Hường đã được tìm thấy ở Long An và đã đón về mai táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Nam Đàn. Còn hài cốt của liệt sỹ Lưu Phi Vinh thì đến nay vẫn chưa tìm thấy được.

Trong ngôi làng bên bờ sông Lam, mẹ không nguôi nỗi nhớ thương con, không nguôi nỗi trăn trở mang được hài cốt con trai trở về quê hương. Mẹ đau đớn vì mất con nhưng niềm hy vọng "tìm con" đã tạo nên sức mạnh phi thường để mẹ nỗ lực lao động, để đợi chờ.

50 năm mơ các con về - Ảnh 2.

Mỗi lần nhớ con mẹ lại mang bằng tổ quốc ghi công ra nhìn ngắm.

Anh Lưu Phi Hà, con trai út mẹ Tứ, hiện đang ở cùng mẹ tâm sự: "Năm 1996, bố tôi mất vì nhiều bệnh và vết thương từ chiến trường trở về. Sau đó một thời gian đến năm 1999, gia đình đi tìm hài cốt hai anh. Tìm được hài cốt anh Hường ở Long An, sau đó đưa về nghĩa trang liệt sỹ huyện. Còn hài cốt anh Vinh gia đình đã nhiều lần đi tìm và cũng tìm khắp nơi nhưng chưa tìm được. Cũng gặp nhiều đồng đội của anh hỏi họ nói đã mai táng thi thể anh ở Quảng trị, nhưng sau khi mai táng thì đêm đó bị tập kích và cả vùng đó tan hoang luôn nên giờ rất khó tìm. Bà thì ngày nào cũng nhắc chuyện đi tìm anh Vinh về…".

Chị Nguyễn Thị Giang, cán bộ chính sách xã Nam Anh cho biết: "Hiện nay, Tổng công ty công trình Giao thông IV, đang nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tứ. Hằng năm đến ngày lễ tết thì xã, huyện, tỉnh đến thăm hỏi động viên mẹ. Gia đình tổ chức đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ thì xã, huyện, tỉnh tạo mọi điều kiện cho gia đình".

Năm tháng đã qua đi, đất nước đã thống nhất, nhưng trái tim các mẹ vẫn luôn đau đáu vì phần mộ của các anh vẫn nằm lại đâu đó ở phía Nam của Tổ quốc. Suốt bao năm qua, gia đình các mẹ vẫn nỗ lực tìm kiếm nhưng chưa tìm thấy phần mộ của các anh, mẹ Tứ cứ trăn trở mãi "…thương con nằm một mình lạnh lẽo ở đâu đó trong chiến trường…".