Quay lại Dân trí
Dân Sinh

6 tháng đầu năm: Kim ngạch xuất khẩu ngành giày da giảm sâu so với cùng kỳ

(Dân sinh) - Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19, theo tin từ Bộ Công Thương.

Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 6 tăng 12,4% so với tháng trước, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8,5%). 

Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 6 tháng đầu năm cũng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn kép từ cả hai phía: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính nhất là thị trường Mỹ, châu Âu. Dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ.

Đến nay, trước những thành công đạt được từ công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, cộng thêm các cam kết cắt giảm thuế quan ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực sẽ là đòn bẩy quan trọng để thu hút đơn hàng xuất khẩu giày dép từ thị trường châu Âu. 

Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại. 

Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để có thêm khách hàng, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ngay khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế tại các thị trường xuất khẩu chính.

Còn ngành dệt may, cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 2,8% (cùng kỳ tăng 11,5%). 

Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng trước, nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8%). 

Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may trong dịch bệnh Covid-19 cũng gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn. 

Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. 

Đến cuối quý II- 2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. 

Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao.