Quay lại Dân trí
Dân Sinh

AIPA: Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục trong bối cảnh đại dịch Covid-19

(Dân sinh) - Trong khuôn khổ năm Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) nhiệm kỳ 2019-2020, chiều 30/7, Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC).

Hội nghị do Quốc hội Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến, gồm các điểm cầu ở Việt Nam và tại Nghị viện một số nước thành viên AIPA. 

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Hội nghị lần này là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, Chủ tịch AIPA 2020 với mong muốn các nghị viện thành viên, các đối tác cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; qua đó góp phần duy trì bản sắc văn hóa ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững.

AIPA: Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu khai mạc hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hệ lụy của quá trình phát triển, đô thị hóa, đặc biệt đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, là trở ngại lớn trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030, bao gồm 17 mục tiêu để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng khẳng định, trong những năm qua, hợp tác giáo dục và văn hóa giữa các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và thúc đẩy, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục trong khối ASEAN hiện vẫn gặp một số trở ngại, đó là: Khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên vẫn còn khá lớn về chất lượng, trình độ quản lý, ngân sách dành cho giáo dục, thiếu tính kết nối giữa các hệ thống đào tạo khác nhau, việc công nhận bằng cấp của nhau và quốc tế hóa bằng cấp trong khu vực… Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di sản văn hóa trong ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm và hệ quả của việc khai thác du lịch quá mức.

Để nâng cao và phát huy tốt hơn quan hệ đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn Hội nghị sẽ chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về hợp tác giáo dục và hợp tác văn hóa. Trong đó, làm rõ vai trò của Nghị viện trong xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc công nhận chất lượng giáo dục và liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực; cơ chế phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19; thảo luận về việc xây dựng hành lang pháp lý, bảo tồn và kết nối di sản văn hóa trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch bền vững…

AIPA: Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến AIPA-ECC.

Tổng Thư ký liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), ông Martin Chugon đánh giá cao vai trò và sự lãnh đạo của Việt Nam khi sau IPU 132, Quốc hội Việt Nam là quốc hội đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức một hội nghị riêng về vai trò của Quốc hội trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Tổng Thư ký IPU cũng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã đe dọa, thậm chí đẩy lùi những kết quả mà cộng đồng đạt được trong suốt thời gian qua. Do vậy, hành động của nghị viện các nước trong thời điểm này đóng vai trò vô cùng quan trọng để tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu, chương trình vì sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Ông Martin Chugon kêu gọi các nghị viện cần cố gắng hơn nữa, vì COVID-19 đang đe dọa các thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong các mục tiêu phát triển bền vững. Vai trò của các nghị viện ngày càng trở nên quan trọng, đóng vai trò năng động hơn, nhất là khi đại dịch lại càng đào sâu thêm khoảng cách về thu nhập, khả năng tiếp cận dịch vụ công. Làm thế nào thúc đẩy các mục tiêu SDGs trong bối cảnh thách thức hiện nay. Vì thách thức ở quy mô toàn cầu nên chỉ có thể được giải quyết ở quy mô toàn cầu. Hy vọng sẽ thấy được vai trò chủ động hơn của các nghị viện trong vai trò giám sát của mình. Điều quan trọng là các nghị viện phải đưa SDG vào chương trình phát triển riêng của từng quốc gia, gắn liền với ngân sách. Cần giám sát để đảm bảo chính phủ thực hiện các SDG một cách minh bạch, rõ ràng, vì lợi ích của người dân. Nghị viện không chỉ đóng vai trò lập pháp mà còn là cơ quan đưa ra ý kiến và lãnh đạo cộng đồng.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội Việt Nam với việc lần đầu tiên tổ chức một hội nghị gắn kết hợp tác nghị viện với việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy đổi mới hoạt động, nâng cao vị thế và vai trò của AIPA trong xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Qua đó, khẳng định, sự chủ động của nghị viện mỗi nước và các cơ chế hợp tác liên nghị viện là vô cùng quan trọng để hướng tới khu vực ASEAN phát triển bền vững, với nền giáo dục có tính liên thông cao và nền du lịch được kết nối một cách chặt chẽ.

AIPA: Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác nghị viện trong các nước thành viên AIPA.

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng, trong bước tiến của hội nhập khu vực ASEAN, hướng đến "Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một cộng đồng" giáo dục, văn hóa cũng đã có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý của AIPA để thể chế hóa chính sách về các vấn đề có liên quan về hợp tác văn hóa, giáo dục ASEAN. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với tư cách là cơ quan trong bộ máy lập pháp và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục của Quốc hội Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác nghị viện trong các nước thành viên AIPA. Đó là tổ chức Hội nghị thường niên của AIPA trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và trong hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững. Thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA trong việc xây dựng và hoàn thiện luật pháp văn hóa, giáo dục; tạo hành lang pháp lý cho việc liên thông giáo dục trong khối ASEAN và các hình thức đào tạo mới từ xa, trực tuyến để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Phát huy vai trò của AIPA trong việc khuyến nghị để ASEAN và các chính phủ thành viên xây dựng cơ chế hợp tác trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hoàn thiện cơ chế giám sát của AIPA để thúc đẩy ASEAN, các chính phủ thành viên thực hiện các cam kết về giáo dục, văn hóa.

Đại diện các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong khu vực và trên toàn thế giới, các nghị viện thành viên AIPA cần xây dựng hành lang pháp lý cho giáo dục từ xa, trực tuyến, nhằm đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh đó cần thúc đẩy liên thông giáo dục trong khu vực ASEAN để tận dụng một cách tốt nhất nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của toàn khu vực.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng thống nhất quan điểm, để hoàn thành được những mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với lĩnh vực văn hóa và giáo dục, hợp tác nghị viện AIPA có vai trò quan trọng trong quá trình hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả các quyết sách về phát triển bền vững giáo dục và văn hóa của kênh Chính phủ ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, có sự gắn kết và liên kết chặt chẽ.