Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ðắk Lắk: Người dân vùng sâu phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

(Dân sinh) - Tỉnh Ðắk Lắk đã kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân trên địa bàn đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.

Thông qua việc ủy thác vốn vay với các đoàn thể chính trị - xã hội, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã đưa nhanh vốn ưu đãi đến với người dân.

Ðắk Lắk:  Người dân vùng sâu phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi - Ảnh 1.

Vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi bò ở huyện Ea Súp

Từ tỉnh Bắc Kạn di cư vào sinh sống ở thôn 15, xã Ea Lê, huyện vùng sâu Ea Súp (Ðắk Lắk) gần 20 năm nay, những năm đầu vào lập nghiệp trên quê hương mới, cuộc sống của gia đình bà Trương Thị Canh gặp rất nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, thiếu vốn, chồng bà lại thường xuyên đau ốm. Năm 2006, được các cấp hội phụ nữ tuyên truyền, vận động, gia đình bà mạnh dạn vay bảy triệu đồng của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Súp để mua một con trâu cái về nuôi làm vốn.
Từ một con trâu ban đầu, đến nay gia đình bà đã có đàn trâu 19 con, vừa qua bà đã bán bớt bảy con trâu để mua một héc-ta ruộng nước và hai héc-ta đất rẫy để sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, bà Canh bộc bạch, "nếu không có nguồn vốn chính sách thì gia đình tôi không có được cuộc sống như hôm nay. Ðể tiếp tục phát triển kinh tế, gia đình tôi lại được chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng để mua giống điều về trồng trên diện tích hai héc-ta đất mới mua, còn đàn trâu tiếp tục nuôi nhân đàn để thoát nghèo bền vững."

Ðắk Lắk:  Người dân vùng sâu phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi - Ảnh 2.

Vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi vịt

Ông Nguyễn Văn Hoa - Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Lê cho biết: Toàn xã hiện có 2.570 hộ với hơn 11.460 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số dân, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với người dân trong xã có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ðến nay, toàn xã có hơn 1.600 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế với dư nợ hơn 44 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2018 xuống còn 30,45%. Nguồn vốn ưu đãi còn là nguồn lực quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay Ea Lê là xã dẫn đầu huyện Ea Súp về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 12 trong số 19 tiêu chí.

Huyện Lắk cũng nhiều hộ nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi, đã thoát nghèo bền vững và trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương. Ðiển hình như gia đình anh Y Din KTLa, dân tộc Ê Ðê ở buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư M'Gar thuộc diện hộ nghèo trong nhiều năm liền, dù vợ chồng anh đã xoay sở và nỗ lực làm ăn. Năm 2016, gia đình anh vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để khai hoang mở rộng diện tích trồng cà-phê và nuôi lợn rừng. Sau một thời gian chăm chỉ lao động, gia đình anh đã trả được toàn bộ số nợ vay ngân hàng và đầu tư mở rộng vườn cà-phê giống, hồ tiêu và trồng xen canh cây bơ để tạo thêm thu nhập. 

Gia đình bà Vũ Thị Hiền ở buôn Thái, xã Bông Krang cũng vậy, trước đây cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn để sản xuất, vợ chồng bà phải đi làm thuê cho nên cái đói, cái nghèo thường xuyên đeo bám. Năm 2016, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và hội phụ nữ xã, gia đình bà được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua một cặp bò sinh sản, số tiền còn lại đầu tư nuôi vịt đẻ trứng. Ðể có vốn tiếp tục phát triển sản xuất, chăn nuôi, gia đình bà vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 60 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo về đầu tư vào chăn nuôi và chăm sóc cà-phê.
Hiện nay, gia đình bà có một rẫy cà-phê, bốn con bò và một trang trại nuôi 1.200 con vịt đẻ trứng, mỗi tháng sau khi trừ hết mọi chi phí bà còn lãi hơn 25 triệu đồng. Ðến nay, gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương được nhiều người học tập làm theo.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 19,37% xuống còn 12,81% theo chuẩn nghèo đa chiều và đến nay có 43 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới. toàn tỉnh đã có 299.271 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với tổng doanh số cho vay là 6.761 tỷ đồng.

 Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Tử Ân cho biết: Ðiều phấn khởi là tín dụng chính sách đã đầu tư đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân trên địa bàn và phát huy hiệu quả. Giúp 70.760 hộ thoát ngưỡng nghèo; 16.745 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; giúp 9.426 lao động được tạo việc làm; hơn 125 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; 5.835 căn nhà của hộ nghèo được sửa chữa và xây dựng mới. Ðặc biệt tín dụng chính sách còn góp phần quan trọng hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.