Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Áp dụng công nghệ mới nhất để sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long

Mặt cầu Thăng Long sau 10 năm bị hư hỏng có thể sẽ tìm ra thuốc đặc trị “căn bệnh” mãn tính này nhờ vào công nghệ mới lần đầu được áp dụng tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ mới nhất để sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long  - Ảnh 1.

Dù đã trải quan nhiều đợt sửa chữa, những vết rạn nứt vẫn xuất hiện trên mặt cầu Thăng Long. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Trao đổi với phóng viên Vietnamplus, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, phương án công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã được trình Bộ Giao thông Vận tải và sẽ là công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Trao đổi bên lề Hội nghị An toàn giao thông năm 2019 vào sáng ngày 29/11, ông Huyện cho biết cục đã nghiên cứu nhiều phương án sửa chữa mặt cầu trên thế giới và hiện đã trình Bộ Giao thông Vận tải phương án hàn các bulông treo trên mặt sắt và sẽ đổ khoảng 6-7cm bê tông sợi lên bề mặt.

"Đây là công nghệ của Mỹ và hiện đã làm tại Trung Quốc khoảng 10 cầu đồng thời cũng là công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam," ông Huyện tiết lộ.

Ông Huyện khẳng định các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể thi công được và chỉ phải nhập một số thiết bị đặc thù. Tổng cục Đường bộ hiện đã trình Bộ Giao thông thẩm định xong và sẽ tiến hành khảo sát thiết kế, kiểm định, tiến hành thi công dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành.

"Dự kiến tổng mức đầu tư từ 180-200 tỷ đồng và sẽ được đấu thầu công khai rộng rãi," vị Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay.

Liên quan đến vấn đề trên, báo Pháp luật TP HCM cho hay, khánh thành từ năm 1985, cầu Thăng Long là công trình giao thông huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với vùng ngoại thành và các tỉnh phía bắc. Từ năm 2009, cầu trải qua cuộc đại tu (công nghệ Mỹ) đầu tiên do mặt cầu cũ có nhiều điểm hư hỏng.

Áp dụng công nghệ mới nhất để sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra mặt cầu Thăng Long.

Sau đợt đại tu với chi phí gần 100 tỉ đồng, lớp bê tông nhựa mới trải nhanh chóng bị trượt xô, hư hỏng. Mặt cầu Thăng Long trải qua nhiều đợt tu sửa nữa nhưng đến nay vẫn bị trồi lún, nứt xẻ rãnh gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Những "miếng vá" thường xuyên được bổ sung để gia cố mặt cầu, vết vá sau đè lên vết vá trước. Theo một số tài xế, chỉ sau vài trận mưa lớn là các vị trí vá nhanh chóng bị xói lở, lún nứt.

Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m gồm phần cầu chính dài 1.688m, với 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục. Bề rộng mặt cầu 20,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2), còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m.

Phần cầu dẫn bêtông cốt thép có tổng chiều dài dài 1.428m (nhịp mố phía bắc gồm 22 dầm x 33m; nhịp mố phía nam gồm 21 dầm x 33m), bề rộng măt 16,5m (diện tích 23.562m2).

Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Cầu được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt-Xô.