Quay lại Dân trí
Dân Sinh

ASEAN công bằng về trình độ đào tạo, kỹ năng của lao động

(Dân sinh) - Tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã họp tổ công tác thực hiện các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs), công nhận lẫn nhau về kỹ năng (MRS), triển khai khung trình độ quốc gia (VQF) trong GDNN và thực hiện theo khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF).

Triển khai tích cực khung tham chiếu trình độ ASEAN - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng là một trong nhiều thuận lợi và là mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về lao động kỹ năng ở trình độ cao trong 8 nhóm ngành nghề lĩnh vực gồm các dịch vụ: Kỹ sư, kiến trúc sư, khảo sát đo đạc bản đồ, bác sĩ, điều dưỡng, kế toán và du lịch. Đối với lao động có trình độ trung bình và thấp để tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động, Cộng đồng kinh tế ASEAN có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kỹ năng (MRS).

Nhìn chung, các thỏa thuận công nhận lẫn nhau MRAs, MRS tạo ra sự công nhận một cách công bằng về trình độ đào tạo, kỹ năng của lao động khi di cư tới các quốc gia khác trong nội khối ASEAN, trong đó có lao động Việt Nam ở một số ngành nghề, lĩnh vực được lựa chọn thông qua tiến trình tham chiếu Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) của các quốc gia thành viên ASEAN. Cùng với sự công nhận về trình độ và kỹ năng, người lao động Việt Nam sẽ được hưởng mức lương và thu nhập tương xứng khi tham gia thị trường lao động khu vực, có cơ hội thăng tiến trong công việc và nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề.

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016, bao gồm 8 bậc trình độ (VQF), trong đó GDNN bao gồm các trình độ từ bậc 1 đến 5. Bên cạnh khung trình độ quốc gia, khung trình độ kỹ năng nghề gồm 5 bậc theo Luật Việc làm cũng đã được ban hành.

Việc triển khai VQF và tham chiếu theo Khung tham chiếu trình độ ASEAN có một số thuận lợi và mang lại nhiều lợi ích lớn cho lao động Việt Nam. VQF được xây dựng 8 bậc tương thích và phù hợp với khung trình độ châu Âu (EQF) và Khung tham chiếu trình độ ASEAN. Với những mục tiêu rõ ràng ở mỗi bậc trình độ, người lao động có cơ hội được học liên thông các trình độ cao hơn, có cơ hội học tập suốt đời, được công nhận trình độ và hưởng chế độ đãi ngộ phù hợp; làm căn cứ để các doanh nghiệp tuyển dụng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, việc triển khai VQF và AQRF còn gặp một số khó khăn, bất cập như: Hiện nay vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể để triển khai VQF đối với các trình độ thuộc GDN; chưa thành lập ủy ban quốc gia với nhiệm vụ thực hiện tham chiếu đến Khung tham chiếu trình độ ASEAN; hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN cần được hoàn thiện; sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và các bên liên quan; các cơ quan phối hợp thực hiện có liên quan chưa hiểu đầy đủ về AQRF và việc triển khai VQF có ý nghĩa như thế nào với việc thực hiện AQRF.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và dự kiến về triển khai các thỏa thuận của Cộng đồng ASEAN, triển khai VQF và AQRF. Một số ý kiến các đại biểu cho rằng, hiện đã có căn cứ rất tốt là khung trình độ quốc gia Việt Nam và khung trình độ kỹ năng nghề để tiến hành công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng. Cần hiểu rõ những lợi ích khi tham gia các thỏa thuận; nền tảng giáo dục và đào tạo, cơ sở hạ tầng khác biệt giữa các quốc gia, trình độ ngoại ngữ, năng lực, kỹ năng nghề của lao động là những khó khăn trong chuyển dịch lao động; để triển khai tốt VQF và AQRF cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, sự tham gia của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo; xây dựng các quan hệ thỏa thuận, công nhận song phương trước,…

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, Cộng đồng ASEAN đã có tuyên bố về đào tạo nhân lực phục vụ dịch chuyển tự do, cần thành lập hội đồng các quốc gia thành viên để triển khai tích cực khung tham chiếu trình độ ASEAN. Đây là nội dung quan trọng đòi hỏi cần thực hiện và triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trước mắt cần đẩy mạnh triển khai khung trình độ quốc gia trong GDNN; triển khai việc công nhận trình độ lẫn nhau và tham chiếu Khung tham chiếu ASEAN. Thời gian tới rất cần sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên sâu như: Y tế, du lịch… để thực hiện những nội dung cụ thể trong công tác triển khai khung trình độ quốc gia và khung tham chiếu trình độ ASEAN.