Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Báo chí là cầu nối quan trọng trong công tác đưa chính sách việc làm đến với người lao động

(Dân sinh) - Ngày 18/9 tại TP. Cần Thơ, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức “Hội nghị Truyền thông về việc làm khu vực phía Nam”.

Đồng chủ trì Hội nghị có ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội. Tham dự hội nghị có ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng Đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh cùng đông đảo đại biểu đại diện cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Trung tâm dịch vụ việc làm phía Nam, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, gần 100 quan báo chí Trung ương và địa phương.

Báo chí là cầu nối quan trọng trong công tác đưa chính sách việc làm đến với người lao động - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Trung Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cùng TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Trung cho biết: "Hiện nay, cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỉ lệ thiếu việc làm không cao. Với trách nhiệm của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, Cung - Cầu lao động; Gắn kết giữa đào tạo và việc làm.

Báo chí là cầu nối quan trọng trong công tác đưa chính sách việc làm đến với người lao động - Ảnh 2.

Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh tham dự hội nghị.

Lĩnh vực việc làm đang là vấn đề được toàn thể xã hội hết sức quan tâm, có nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực việc làm cần truyền tải như: Các chính sách liên quan đến giải quyết việc làm, chính sách việc làm với thanh niên, phụ nữ, những đối tượng người mãn hạn tù; phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động, dự báo thị trường lao động đề án dự báo cung cầu lao động; hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm; đề án quản lý lao động, sử dụng lực lượng lao động, lao động nước ngoài tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của xã hội; chính sách bảo hiểm thất nghiệp...

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trung, hiện nay còn nhiều người chưa biết đến những chính sách này, chính vì vậy để truyền tải các nội dung, nội hàm về vấn đề việc làm, nâng cao nhận thức về chính sách việc làm đến người lao động thì vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí lại càng quan trọng.

Báo chí là cầu nối quan trọng trong công tác đưa chính sách việc làm đến với người lao động - Ảnh 3.

Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm phát biểu khai mạc hội nghị.

Ông Lê Quang Trung mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí đồng hành cùng các hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có lĩnh vực thông tin về việc làm, để xã hội nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này. Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định 3 đột phá trong năm nay, đó là về thể chế, thị trường lao động, gắn đào tạo với việc làm. Việc làm không đơn thuần là vấn đề xã hội, mà hướng tới sử dụng năng suất, chất lượng cao hơn; quan tâm đến phát triển thị trường lao động, sử dụng lao động… Do đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong truyền tải thông tin đến xã hội, người lao động.

Tại Hội nghị, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội đi sâu phân tích thực trạng công tác truyền thông về việc làm trên các cơ quan báo chí hiện nay. Dưới tác động của hệ thống truyền thông đại chúng, vấn đề giải quyết việc làm, quản lý lao động (nhất là quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam), thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp đã nhanh chóng trở thành một vấn đề thời sự; một đề tài được nhiều người đặc biệt quan tâm trên hầu hết các loại hình báo chí.

Báo chí là cầu nối quan trọng trong công tác đưa chính sách việc làm đến với người lao động - Ảnh 4.

TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội đi sâu phân tích thực trạng công tác truyền thông về việc làm trên các cơ quan báo chí hiện nay.

Từ năm 2018 đến nay, dưới sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Việc làm, các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trung tâm dịch vụ việc làm, hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động đã được các cơ quan báo chí tăng cường hơn trước; số lượng, tần suất, chất lượng các bài viết về việc làm không ngừng tăng; nội dung đã định hướng, phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về việc làm; nhiều mô hình, điển hình, kinh nghiệm về việc làm được đăng tải, phổ biến, định hướng được dư luận. Các cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm từ Trung ương đến địa phương cũng đã chủ động kết nối với báo chí để cung cấp thông tin, thực hiện các tuyến bài, chuyên trang, chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về việc làm; sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng như truyền hình, phát thanh, báo viết, báo hình, báo mạng... cùng các hình thức truyền thông phong phú như chương trình, phóng sự, bài viết chuyên sâu, bài viết phản ánh, đưa tin, phỏng vấn, hỏi đáp chính sách, quy định pháp luật... nhằm tuyên truyền các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Cục Việc làm với phạm vi phản ánh từ Trung ương đến địa phương, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện các chính sách.

Cũng tại hội nghị, đa số các đại biểu có ý kiến khẳng định, trong thời gian qua báo chí đã luôn đồng hành cùng các hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, luôn chủ động tuyên truyền sâu rộng về các vấn đề chính sách việc làm, lao động, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương... Các cơ quan báo chí cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hơn nữa trong thời gian tới.