Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bạo hành - "Cơn bão ngầm" đằng sau mỗi cánh cửa gia đình

Chỉ vì mong muốn những đứa trẻ sinh được chung sống trong những ngôi nhà có cả bố, mẹ, nhiều người phụ nữ đã phải nhẫn nhịn, chịu đựng những trận đòn roi của người chồng trong thời gian để mong níu giữ tổ ấm gia đình và hy vọng chồng thay đổi. Chỉ đến khi sức khỏe, tinh thần, thậm chí tính mạng bị đe dọa họ mới chọn cách tố cáo hoặc nộp đơn xin ly hôn.

Nỗi ám ảnh từ những vụ bạo lực gia đình

Vào một ngày cuối tháng, dư luận phẫn nộ trước video ghi lại cảnh chị L. (28 tuổi, Hà Nội) bị chồng là "võ sư" đấm đá, tát và ném sỏi vào người khi trên tay đang bế con nhỏ được 2 tháng. Mâu thuẫn được cho là xuất phát từ việc chị L. chuyển ti vi từ phòng khách vào phòng riêng của con trai lớn đang học lớp 1. Chồng chị L đã tức giận, lớn tiếng quát vợ: "Thế mày hỏi ý kiến tao chưa? Mày không cho tao xem à". Sau đó người này ra tay đánh vợ. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu chị L. bị chồng bạo hành.

Bạo hành - "Cơn bão ngầm" đằng sau mỗi cánh cửa gia đình - Ảnh 1.

Vụ việc một võ sư ở Hà Nội đánh đập vợ dã man gây bức xúc dư luận.

Sau khi sự việc xảy ra, người phụ nữ đã được nhà ngoại đưa cả 2 mẹ con về nhà, tuy nhiên tinh thần của chị vẫn khá hoảng loạn. Không những thế, người chồng sau đó còn liên tục nhắn tin đe doạ sẽ giết cả gia đình nhà vợ.

Tương tự, một vụ việc khác cũng xảy ra ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, TP. Hà Tĩnh vào giữa tháng 8/2019. Cụ thể vào ngày 16/8, chị H. (sinh năm 1992) và chồng xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, chị H. bị chồng là anh N. (sinh năm 1987) hành hung, đánh đập dẫn đến gãy tay trái, bầm tím khắp cơ thể. Sau vụ hành hung này, chị H. được yêu cầu phải nằm viện điều trị. Được biết, trước đó, anh N. đã nhiều lần đánh đập vợ. Suốt 7 năm chung sống, không cái Tết nào chị H. được sống yên ổn. Anh N. cũng thường xuyên bạo hành vợ theo cách rất dã man như: đập gậy ngang đùi, túm tóc kéo dọc đường, xô xuống hố cột điện… Anh này cũng thường xuyên đánh đập vợ trong lúc say rượu.

Chưa hết phẫn nộ thì mới đây nhất vào tối 15/9 và sáng 16/9, một đoạn clip gần 3 phút ghi lại cảnh 1 người đàn ông trung niên đánh 1 người phụ nữ giữa khu vui chơi dành cho trẻ em. Cũng theo nhiều người chia sẻ, cả 2 là vợ chồng sinh sống ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Đoạn clip cho thấy cảnh người chồng dùng tay, chân đẩy vợ xuống hồ nước. Sau đó, người chồng nhảy vào hồ nước dùng tay dìm vợ xuống nước. Người vợ vùng vẫy tìm cách thoát nhưng người chồng vẫn dùng tay kéo. Thậm chí, người chồng còn dùng tay bóp cổ vợ dìm xuống nước. Tiếp đó, người vợ tìm cách leo lên bờ níu vào lan can. Thế nhưng, chồng vẫn tiếp tục kéo xuống hồ nước dùng tay đánh và đá liên hồi.

Một lúc sau, người vợ đi lên bờ thì người chồng đi theo chửi bới. Sau đó, người chồng dùng tay đánh vào mặt, dùng cùi chỏ đánh vào gáy vợ. Tất cả sự việc diễn ra khi có 1 em nhỏ đứng gần gào khóc.

Phía cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh xác nhận, người đàn ông trong đoạn clip là Phạm Chí Linh (33 tuổi), còn người phụ nữ là chị T.T.T.M. (31 tuổi, ngụ tại ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Cả 2 là vợ chồng khoảng 10 năm nay và có 2 con gồm 1 trai (2 tuổi) và 1 gái (8 tuổi). 2 vợ chồng làm nghề mua bán và kinh doanh hồ bơi gia đình tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu.

Chia sẻ với báo chí, chị M. cho biết đây không phải là lần đầu tiên chị bị chồng đánh đập, hành hạ dã man. Do đã có với nhau 2 con nên chị bỏ qua mọi chuyện. Tuy nhiên, lần này chị kiên quyết sẽ nộp đơn ly hôn.

1/3 phụ nữ có gia đình bị bạo lực thể xác hoặc tình dục

Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố giữa tháng 9/2018: Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết đã bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9%. Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức kể trên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.

Bạo hành - "Cơn bão ngầm" đằng sau mỗi cánh cửa gia đình - Ảnh 3.

Những trận đòn, roi nỗi ám ảnh của những người vợ do chồng gây ra.

Theo thống kê của các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 30.000 vụ bạo hành gia đình xảy ra, riêng số trường hợp vợ bị chồng bạo hành chiếm 3/4, tức khoảng 60 vụ/ngày.

Đáng chú ý hơn, chỉ có khoảng một nửa số người bị bạo hành chịu chia sẻ, tâm sự nói ra nỗi niềm, còn lại là giấu kín. Nguyên nhân đầu tiên khiến các nạn nhân giấu kín là vì sợ, nỗi sợ đến từ cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.

Theo các luật sư, Luật chống bạo hành đã có hiệu lực từ nhiều năm. Người chồng sẽ bị khởi tố hình sự nếu tỷ lệ thương tật trên 11%, dưới 11% sẽ bị xử lý hình sự tội hành hạ người khác. Hội phụ nữ, công an địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ trong mọi trường hợp bị bạo hành. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ sợ khi tố cáo và ly hôn sẽ không còn được nuôi con nên đành chịu đựng bị đòn.

Bạo hành có ba hình thức gồm: bạo hành tinh thần, bạo hành thể xác, bạo hành tình dục. Luật chống bạo hành số 02/2007/QH12 của Quốc hội đã quy định, ngay khi sự việc xảy ra, người bị bạo hành lên tiếng, Chủ tịch phường hoặc xã ngay lập tức có quyền yêu cầu cấm tiếp xúc 3 ngày để đảm bảo an toàn cho người bị bạo hành. Luật thì như vậy, nhưng vì sự thiếu quyết liệt, không chịu lên tiếng của nạn nhân nên chính quyền địa phương thường gặp khó khăn trong xử lý.

Bên cạnh đó, người chịu lên tiếng đã ít, chịu theo đuổi đến cùng còn ít hơn bởi đôi lúc khi nóng giận người ta báo chính quyên, đến khi chính quyền ra tay thì lại viết đơn bãi nại, bảo lãnh cho chồng trở về. Bên cạnh đó, còn có một lý do để xử lý tội cố ý gây thương tích phải có đơn của bị hại, nếu không có đơn này sẽ không thể xử lý hình sự được.

Trên thực tế, việc xử lý bạo hành không dễ không chỉ bởi sự e ngại của chính người bị bạo hành mà còn do quá trình xác định chứng cứ. Có rất nhiều lý do khiến cho những người bị bạo hành chọn cách im lặng. Tuy nhiên, dù vì lý do gì, việc không lên tiếng tố cáo hành vi bạo hành sẽ khiến cho tình trạng này vẫn luôn nhức nhối và không có tính răn đe. Bạo hành gia đình nếu không lên tiếng lại tạo nên những hệ lụy xấu lên chính những đứa con như: tâm lý và tinh thần không ổn định, thậm chí tiếp tục trở thành những người gây ra tội ác.