Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk vượt khó đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2019

(Dân sinh) - Trong năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có xu hướng tăng trưởng chậm, tình hình thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi của tỉnh gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi, giá bán sau thu hoạch của cây trồng chủ lực trong tỉnh (cao su, cà phê, hồ tiêu…) ở mức thấp, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và đạt thấp.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã chủ động, bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 107-CTr/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, chủ động thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, điều hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tích cực chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế và kế hoạch triển khai thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Phối hợp, tham gia cùng với Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khảo sát việc thực hiện chính sách tiền lương và chế độ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo và tập trung nguồn lực, đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ: Phát triển đối tượng tham gia, quản lý quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, rà soát, xử lý dữ liệu hộ gia đình,… Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của Ngành có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Bảo Hiểm Xã Hội tỉnh Đắk Lắk vượt khó đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2019 - Ảnh 1.

Bảo Hiểm Xã Hội tỉnh Đắk Lắk

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn bị động trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết, tình trạng nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số chủ sử dụng lao động và người lao động về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp ít, doanh nghiệp của tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, phân tán, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực buôn bán cà phê, xăng dầu và một số ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng..., số lao động rất ít, chủ yếu làm theo mùa vụ, những năm gần đây do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giá cao su, cà phê giảm, các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, lao động không có việc làm phải nghỉ việc hoặc đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục ký hợp đồng nên không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bên cạnh đó cơ chế khoán sản phẩm (người lao động phải đóng 100% Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế) là chưa phù hợp phần nào hạn chế quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động, mặt khác lao động khối sự nghiệp tiếp tục giảm do thực hiện tinh giản biên chế, vì vậy việc phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là hết sức khó khăn, công tác tuyên truyền có chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả chưa cao, công tác thanh tra, xử lý vi phạm về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều hạn chế, tình trạng lạm dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn xảy ra với nhiều hình thức và mức độ tinh vi ngày càng cao.

Tính đến hết tháng 9/2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk có 10,07% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 0,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, 8,11% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, có 33,17% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 98% (đối với các hồ sơ theo quy định phải thực hiện giao dịch điện tử). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,66% dân số. Tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho gần 1,3 triệu lượt người, với số tiền đề nghị thanh toán 547 tỷ đồng, bằng 46% dự toán Chính phủ giao. Cấp 5.488 sổ Bảo hiểm xã hội và 236 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng tham gia. Thực hiện thanh tra 19 đơn vị, kiểm tra 37 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính về đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với 09 đơn vị với số tiền 206 triệu đồng. Tập trung đôn đốc Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố, thị xã đối chiếu, rà soát, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các doanh nghiệp qua dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp. Phối hợp thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị chưa tham gia Bảo hiểm xã hội. Kịp thời điều chỉnh lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng cho trên 39 ngàn đối tượng theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cần tích cực tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh phát triển đối tượng tham gia, thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng, giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, ngăn ngừa hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.