Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Lắng nghe tâm tư của trẻ

(Dân sinh) - Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố tạo nên sự phát triển của đất nước trong tương lai, đó chính là nhiệm vụ của toàn xã hội… Chính vì vậy, trong những năm qua và thời gian tới việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được chính quyền các cấp, các ngành và các địa phương ưu tiên hàng đầu trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Quan tâm chăm lo cho trẻ em

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra ngày càng phức tạp, để lại những hậu quả nghiêm trọng với nạn nhân là trẻ em và gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Cùng với trách nhiệm của các cơ quan quản lý, một trong những ưu tiên hàng đầu để ngăn chặn tình trạng này là trang bị kiến thức, kỹ năng sống phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.

Thời gian qua, các địa phương đã phát động nhiều phong trào thiết thực để chung tay chăm lo cho trẻ em. Đối với trẻ em ở khu vực thành thị, nông thôn điều được quan tâm nhất, đó là nhu cầu vui chơi giải trí, học tập của các em. Ngoài việc tổ chức vui chơi, học tập, các địa phương, ban ngành, đoàn thể còn tổ chức những buổi tọa đàm, trò chuyện để trẻ em nói lên mong muốn, ước mơ của mình đối với gia đình, xã hội. Từ những việc nhỏ, có ích đó, giúp các em hình thành tình yêu thương, lòng nhân ái, chia sẻ khó khăn với mọi người.

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Lắng nghe tâm tư của trẻ - Ảnh 1.

Bình Dương tổ chức chương trình Xuân với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Hiện tỉnh Bình Phước duy trì câu lạc bộ "Phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em" với 17 thành viên. Câu lạc bộ có nhiệm vụ tuyên truyền các chủ chương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em; nhận diện đối tượng xâm hại và các biện pháp phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; các nguy cơ và dấu hiệu nhận biết trẻ em đang bị xâm hại tình dục; tìm hiểu nguyên nhân và các biện pháp, cách xử lý, phòng chống khi bị người lạ xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em... Qua đó ngăn ngừa, hạn chế các trường hợp trẻ em bị xâm hại, góp phần tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em, được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh.

Đối với TP.HCM trong 9 tháng đầu năm, đã phát hiện và phối hợp xử lý 32 vụ vi phạm quyền trẻ em. Phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ủy ban nhân dân quận Bình Tân tổ chức Lễ ra mắt gói dịch vụ thuộc “Mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em”. Phối hợp với Cục Trẻ em tổ chức tập huấn về Quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cho người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã thuộc 04 quận-huyện .

Tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện

Một trong những địa phương được đánh giá là triển khai thực hiện rất tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong thời gian qua. Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Thời gian qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp huyện và các xã, phường nên các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng hoàn thiện. 100% trẻ em bị xâm hại tình dục và bị bạo lực được phát hiện, đều được hỗ trợ kinh phí, chăm sóc sức khỏe cũng như tư vấn về tâm lý để giúp các em sớm trở lại với cuộc sống bình thường. Hơn nữa các nhà văn hóa, khu vui chơi, sân chơi dành cho trẻ em được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều. Công tác xã hội hóa chăm lo cho trẻ em thuộc các xã vùng nông thôn đã tạo cơ hội cho trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần".

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Lắng nghe tâm tư của trẻ - Ảnh 3.

Bình Dương tổ chức diễn đàn trẻ em

Bên cạnh những trẻ em có hoàn cảnh gia đình khá giả, được học tập vui chơi, cũng còn một số trẻ có hoàn cảnh khó khăn, các em phải tự đi làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân, thậm chí nuôi gia đình, em nhỏ. Bình Dương là tỉnh thu hút nhiều lao động ngoài tỉnh, do đó, số lượng trẻ em theo gia đình đi làm và trẻ em đến tìm việc chiếm khá đông. Làm gì để giúp trẻ em được hưởng những quyền lợi của mình, có lẽ đây là điều băn khoăn lo lắng không chỉ riêng ngành chức năng mà là nỗi lo chung của toàn xã hội. Bà Hằng chia sẻ.

Vì vậy, công tác xã hội hóa chăm lo đời sống vật chất cho trẻ em của tỉnh Bình Dương đã được khẳng định thông qua những chương trình hành động thiết thực. Cụ thể, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tỉnh tăng mức chi tiền tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 500.000 đồng/trẻ em lên 700.000 đồng/trẻ em và đã trao 1.955 phần quà với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản chỉ đạo các địa phương quan tâm chăm lo cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Hội đồng Bảo trợ, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Xuân với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn" lần thứ 12 năm 2019. Qua chương trình đã vận động được số tiền hơn 6,1 tỷ đồng; thăm tặng quà, trao bảo trợ dài hạn cho 1.073 lượt trẻ em, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng…

“Trong thời gian qua việc bạo hành trẻ em vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước và có chiều hướng gia tăng khiến nhiều người rất bức xúc. Các đối tượng xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, tinh vi. Để công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung được tốt hơn chúng ta cần triển khai cụ thể về từng xã, phường, cần tuyên truyền các công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, không để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại”, ông Đoàn Hải Nam, PGĐ – Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre chia sẻ kinh nghiệm để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.