Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bắt đầu 1 ngày mới từ 3h50 sáng, vẫn ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm: Đây là bí quyết dậy sớm - ngủ sớm - sinh hoạt tỉnh táo của tôi!

Hiện tại, cứ 3h50 tôi đã tự dậy được mà không còn phụ thuộc vào báo thức nữa, sau gần 4 tháng rèn luyện thì cơ thể đã tự thiết lập chế độ nghỉ ngơi sinh học phù hợp.

- Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải MUỐN dậy sớm. THỰC SỰ MUỐN. Phải có ĐỘNG CƠ thì mới ra hành động được. Hãy liệt kê ra lý do của bạn, tại sao bạn cần phải dậy sớm, để học, để tập thể dục, để làm việc, để thực hiện ước mơ... Và đừng bao giờ quên mục tiêu ban đầu. Sẽ phải dùng đến nó nhiều lần đấy vì "khi muốn bỏ cuộc hãy nhớ đến lý do bắt đầu" mà!

- Xác định tinh thần: Riêng việc dậy sớm thì chỉ cần ĐỦ MUỐN là làm được. Người khác làm được, mình cũng làm được. Khi muốn sẽ tìm cách, khi không muốn thì tìm lý do. Nên, hãy gạt hết lý do sang một bên nhé!

- Lên thời gian biểu: Càng cụ thể càng tốt (mấy giờ ngủ, mấy giờ dậy, mấy giờ làm đánh răng, tập thể dục, uống nước... Việc này sẽ giúp bạn tính toán xác định được thời lượng giấc ngủ của mình. Những ngày đầu, tôi đi ngủ lúc 10h30 và dậy lúc 5h30 để ngủ đủ 7 tiếng vào buổi đêm, ngoài ra ngủ trưa 30 phút. Một ngày ngủ 6-8 tiếng là đủ rồi, vì đủ hay không còn liên quan đến chất lượng giấc ngủ nữa. Tôi bị đau đầu vận mạch 5 năm nay rồi, nên hơn ai hết, tôi là người sợ bị thiếu ngủ nhất trên đời, vì ngủ đủ còn đau đầu cả ngày nữa là thiếu. Đã từng có giai đoạn tôi đau đầu đến mức bỏ học cả tháng, cứ ở phòng trọ ngủ thôi, thậm chí muốn chết đi cho xong.

Nhưng từ ngày dậy sớm, tôi không những không bị mệt mà còn thấy đỡ đau đầu hơn. 

Ngoài ra, việc lên thời gian biểu còn giúp bạn bám sát được các công việc cần làm, KHÔNG QUÊN mục đích dậy sớm, tránh tình trạng "cảm thấy uể oải, hai mắt nhắm chặt, không nghĩ ra dậy để làm gì, cần phải làm gì, thôi thì lại vô tình ngã xuống gối cho đến tận trưa".

(Về việc lên kế hoạch, lưu ý: bạn cần có một cuốn sổ. Mỗi ngày đều lên kế hoạch chi tiết, không được bỏ sót ngày nào. Tại sao phải là sổ mà không phải là note trong smartphone hay laptop? Vì nó dễ đập vào mắt. Và sẽ không xoá được. Nó giúp bạn ghi lại hành trình một cách chân thực nhất, theo dõi dễ dàng. Tôi rất thích viết sổ, không chỉ việc lên kế hoạch mỗi ngày mà còn nhiều hoạt động khác nữa, smartphone không thể thay thế được.)

Bắt đầu 1 ngày mới từ 3h50 sáng, vẫn ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm: Đây là bí quyết dậy sớm - ngủ sớm - sinh hoạt tỉnh táo của tôi! - Ảnh 1.

- Dục tốc bất đạt, muốn nhanh thì phải từ từ: Ngày đầu tiên, tôi đặt báo thức từ 5h30, đi ngủ từ 10h30. Dần dần sau 4 tháng, điều chỉnh thời gian biểu hàng chục lần vì muốn làm được nhiều việc vào buổi sáng hơn nữa, tôi đi ngủ lúc 9h tối và thức dậy lúc 3h50 sáng. Cứ từ từ để cơ thể quen với sự thay đổi. Sau mỗi 2 tuần, hãy lắng nghe cơ thể và có những điều chỉnh phù hợp. Nếu mệt mỏi uể oải, đừng bỏ cuộc ngay nhé. 

Có thể cơ thể bạn cần một chế độ ăn uống lành mạnh, những bài tập thể dục đổ mồ hôi, những giấc CHỢP-MẮT-NGẮN. Tôi không bao giờ bỏ giấc ngủ trưa 30 phút, và gần đây có chợp mắt thêm 10 phút buổi sáng trước giờ đi làm. Hiện tại, cứ 3h50 tôi đã tự dậy được mà không còn phụ thuộc vào báo thức nữa, sau gần 4 tháng rèn luyện thì cơ thể đã tự thiết lập chế độ nghỉ ngơi sinh học phù hợp. Có những hôm 10-11h tôi mới ngủ, mà sáng vẫn dậy được sớm đó. Nên bạn cũng sẽ làm được, điều chúng ta cần chỉ là thời gian thôi!

- Giả sử bây giờ bạn đã có mục tiêu và kế hoạch cụ thể. Giờ hành động thôi! 

Ví dụ, bạn đặt lịch ngày mai 5h30 dậy, vậy để ngủ đủ 7 tiếng bạn cần ngủ từ 10h30. Nhưng làm thế nào để 10h30 tối nay đi ngủ? Ở đây có vài bí kíp nhỏ như sau:

1. Hãy chuẩn bị một không gian hoàn hảo cho việc ngủ, bao gồm: nhạc, nến, đèn ngủ, giường chăn màn, điều hoà... (tuỳ theo từng người, từng mùa). Hãy biến tất cả mọi thứ trong căn phòng chỉ để phục vụ cho việc ngủ thôi, cái gì không liên quan thì tạm thời "giấu" hết đi như điện thoại, máy tính, sách vở, đồ chơi...

2. Tiếp theo là đến tinh thần: Bạn cần phải "tự kỷ ám thị" để bộ não của bạn nhận thức được tầm quan trọng của việc dậy sớm. Hãy nói với tiềm thức của mình "ngày mai tôi phải dậy 5h30, ngày mai tôi nhất định dậy được lúc 5h30, tôi phải dậy, tôi dậy được, tôi phải tập thể dục, tôi phải học bài...". Việc này rất quan trọng, nó cho bạn niềm tin và động lực. Cuộc sống thiếu hai thứ này thì chẳng việc gì được hoàn thành cả, việc ngủ và dậy cũng không ngoại lệ.

3. Chơi các "trò chơi ngủ sớm": đếm cừu, đếm ngược từ 100 trở về 1, hít thở (tập trung vào hơi thở, hít sâu thở sâu, hít 4 nhịp, thở 6 nhịp)...  Bạn cứ chọn ra phương pháp phù hợp nhé. Ngày đầu tiên ngủ sớm, tôi phải thực hiện tất cả các phương pháp mới ngủ được.

Bắt đầu 1 ngày mới từ 3h50 sáng, vẫn ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm: Đây là bí quyết dậy sớm - ngủ sớm - sinh hoạt tỉnh táo của tôi! - Ảnh 2.

- Bạn có mục tiêu rồi, có động lực rồi, mọi thứ in sâu vào đầu nhờ động tác "tự kỷ ám thị" tối hôm trước rồi, ngủ đủ rồi, không có lý do gì để không dậy được cả. Nhưng nếu như, tối hôm trước bạn không ngủ được lúc 10h30, vậy thì sáng nay có dậy sớm theo kế hoạch không? Câu trả lời là: ĐƯƠNG NHIÊN CÓ! Đừng sợ mệt, đừng sợ không tỉnh táo, đừng sợ thiếu ngủ. Chúng ta đang thay đổi để có một thói quen tốt, phải chấp nhận rằng quá trình chuyển đổi là khó khăn, gian khổ. Nếu 1-2 ngày đầu không chịu được thì đừng nói đến việc "thay đổi cuộc đời". Hãy cứ dậy, làm theo kế hoạch, đừng lắng nghe cơ thể trong giai đoạn này, vì cơ thể lúc này chỉ "dụ dỗ" bạn ngã vào giường mà thôi...

- Dậy sớm mà BỊ MỆT thì làm gì? Những ngày đầu tôi thực hiện là vào mùa đông, trời lạnh và mưa nữa, nhưng tôi vẫn dậy được. Tôi tin bạn cũng làm được! Sau khi ngồi dậy, tôi thường sẽ đi đánh răng cho tỉnh táo, sau đó uống một cốc nước lọc. Nước lọc rất quan trọng, đặc biệt vào sáng sớm, không nên thay thế bằng các loại nước ngọt khác. Nếu có thể, bạn pha nước ấm ấm chút, uống rất tốt cho hệ tiêu hoá vào buổi sáng. Sau đó, nếu vẫn mệt có thể nghe nhạc, vươn vai chút, đọc truyện cười, làm những gì bạn thích thú.

- Những cái ĐỪNG:

Đừng NGHĨ. Mỗi sáng dậy, chúng ta thường đấu tranh tư tưởng để dậy đúng không? Và trong kịch bản này thì Kẻ Xấu thường thắng. Nên bài học là: Không nghĩ gì hết! Quyết dậy là dậy. Đặt mục tiêu rồi thì phải theo. Thế thôi.

Nguyên tắc giống như sợi dây diều, muốn bay cao bay xa và bay lâu, nhất định phải có dây.

Đừng NGỦ BÙ. Trong giai đoạn đầu, chúng ta có thể thấy mệt mỏi và có tâm lý cho bản thân ngủ bù 1 hôm. Nhưng kinh nghiệm của tôi là KHÔNG. Vì chỉ cần có 1 ngày, sẽ có ngày 2, ngày 3... Đó là kịch bản của rất nhiều người, cứ dậy sớm được một thời gian rồi lại quay về nếp sống cũ dẫn tới càng khó để thay đổi lần 2. Có thể bạn không thích các nguyên tắc cứng nhắc, tôi cũng thế, thậm chí còn từng ghét những ai sống quá nguyên tắc. Nhưng từ ngày thực hiện theo lịch trình sinh hoạt này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ chẳng làm được việc gì nếu không có NGUYÊN TẮC. Minh chứng cho điều đó là tôi đã không bỏ cuộc giữa chừng. Bạn cũng vậy nhé! 

Đừng đặt nhiều chuông. Chỉ đặt 2 cái để dậy thôi. Cái thứ 2 cách cái thứ nhất 5 phút. Tại sao? Tôi có đọc một bài về "Quy tắc 5 phút", nghĩa là được ngủ thêm 5 phút trước khi thức dậy hẳn.  Nhưng nhớ, chỉ ngủ thêm 1 lần duy nhất, và chỉ 5 phút thôi nhé. Chuông kêu hết giờ ngủ thêm là phải dậy. Sau này, khi quen rồi, bạn có thể đặt 1 cái duy nhất, bỏ qua phần ngủ thêm.

Hãy trân trọng mỗi sáng thức dậy. Bởi chỉ cần được thức dậy, thì bất cứ sự gì trên đời vẫn còn có cơ hội để thay đổi.