Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bệnh giời leo là gì?

Bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TP. Hồ Chí Minh cho biết, giời leo là tên gọi khác của bệnh zona. Bệnh do virus Varicellae zoster gây nên, chứ không phải do con giời leo như dân gian thường nói.

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, gặp nhiều nhất ở người từng bị thủy đậu, người có hệ miễn dịch suy giảm. Virus Varicellae zoster cũng là tác nhân gây bệnh thủy đậu. Chúng có thể nằm hàng chục năm trong cơ thể, sau đó gặp yếu tố thuận lợi như sức đề kháng giảm do tuổi tác, bệnh tật mà hoạt động trở lại theo dây thần kinh ra da, gây zona. Bệnh  có thể phát triển thành dịch vào mùa hè, mùa mưa do tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với những người bệnh như sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm, đồ dùng cá nhân...

Bệnh giời leo là gì? - Ảnh 1.

Người bị zona thường sốt nhẹ khoảng 38 độ C, nhức đầu, mệt mỏi, đau xương sống, đau nhức dọc theo dây thần kinh vùng da chuẩn bị nổi thương tổn và chỉ xuất hiện ở một bên người (trừ trường hợp ở bệnh nhân AIDS). Sau đó xuất hiện những mụn nước, thường liên kết lại với nhau (dính chùm), tuổi càng lớn mức độ đau nhức càng tăng. Vị trí hay gặp là liên sườn. Bệnh sẽ khỏi trong 2 đến 3 tuần, sau khi lành bệnh có thể để lại sẹo.

Bệnh giời leo là gì? - Ảnh 2.

Ở người lớn tuổi, bệnh dễ gây biến chứng đau nhiều hơn. Nếu bệnh khu trú tại vùng trán, hốc mắt, mũi, có thể gây thương tổn dây thần kinh số 5, làm giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn; tổn thương dây thần kinh số 7, gây liệt mặt, méo miệng... Riêng với phụ nữ mang thai, nếu mắc bệnh trong 3 tháng đầu sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện bào thai. Đồng thời, đây cũng là đối tượng dễ bị biến chứng nhất do tâm lý sợ uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên âm thầm chịu đựng, hay điều trị theo phương pháp dân gian.

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin thủy đậu, thuốc chủng ngừa Zona. Hạn chế ăn uống, sinh hoạt chung với người đang mắc bệnh. Phụ nữ mang thai bị bệnh Zona phải được kiểm tra, sàng lọc thai sớm.

Bệnh giời leo là gì? - Ảnh 3.

Để điều trị, bạn dùng băng ngâm nước lạnh đặt vào vết thương rỉ dịch trong khoảng 20 phút, mỗi ngày 7 - 8 lần để làm dịu bớt cơn đau và nhanh khô. Biện pháp này còn giúp lấy bớt vảy ra ngoài và giảm khả năng nhiễm trùng. Cần giữ cho vùng vết thương sạch sẽ, mặc quần áo rộng. Tránh tiếp xúc da chạm da với những người chưa từng bị thủy đậu, người đang ốm hoặc suy giảm hệ miễn dịch.

Có thể sử dụng thuốc kháng virus để giảm thời gian phát ban và đau. Không được gãi vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát và có thể để lại sẹo. Nếu bệnh nhân đau cấp có thể uống thêm thuốc giảm đau thần kinh phối hợp và thuốc kháng viêm corticosteroid ngắn ngày. Sau khi hết tổn thương da mà vẫn còn đau thì phải điều trị bằng các thuốc giảm đau kéo dài hơn.