Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bệnh viêm phổi lạ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, người dân cần làm gì để phòng bệnh

(Dân sinh) - Hạn chế tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính, những người trở về từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế. Bộ Y tế khuyến cáo người dân.

Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) đặt tại Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã tổ chức họp nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, rà soát các hoạt động đáp ứng và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp trong thời gian tới; cụ thể là tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Theo thông tin mới nhất, tính đến nay, tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã ghi nhận 59 trường hợp mắc viêm phổi cấp do coranavirus, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc đều ở thành phố Vũ Hán. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng lây truyền từ người sang người, chưa ghi nhận trường hợp nhân viên y tế bị mắc bệnh.

Bệnh viêm phổi lạ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, người dân cần làm gì để phòng bệnh - Ảnh 1.

Bộ Y tế yêu cầu có kế hoạch, phân công cán bộ, tổ chức trực đầy đủ trong thời gian Tết nguyên đán năm 2020, gửi danh sách trực về Cục Y tế dự phòng và Sở Y tế để tổng hợp.

Kết quả điều tra cho thấy chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới thông tin, kết quả xét nghiệm đã loại trừ các tác nhân gây bệnh như cúm, Adenovirus, cúm gia cầm, SARS và hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV).

Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện tốt các biện pháp như: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Người dân cũng hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

Đồng thời, triển khai các hoạt động truyền thông, khuyến cáo tại các cửa khẩu về phòng chống dịch bệnh đối với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi phù hợp với tình hình hiện nay và chủ động tư vấn về các biện pháp phòng bệnh đối với các trường hợp đi cùng hoặc có tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu có) về từ vùng dịch.

Tổ chức giám sát những người về từ vùng dịch tại cộng đồng theo quy trình phân cấp để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có yếu tố dịch tễ kèm theo để cách ly và xử trí kịp thời ngay từ trường hợp đầu tiên, báo cáo kịp thời cho Sở Y tế để chỉ đạo giải quyết.

Giám sát chặt chẽ những trường hợp viêm phổi nặng chưa rõ nguyên nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Truyền thông tới người dân, cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ về từ vùng dịch, khuyến cáo người dân không để hoang mang, lo lắng; chủ động phòng chống bệnh dịch mùa đông xuân theo các khuyến cáo của Bộ Y tế;

Rà soát và sẵn sàng cơ sở điều trị, cách ly, trang bị phòng hộ cá nhân, đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác chẩn đoán, thu dung điều trị các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu có); báo cáo ngay về Sở Y tế theo quy định khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân phòng bệnh viêm phổi bằng cách giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng. Để tránh lây lan bệnh về đường hô hấp, mỗi người cần có thói quen che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra môi trường.