Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Dương: Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội

(Dân sinh) - Ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, tỉnh Bình Dương đã xây dựng chuẩn nghèo và một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của tỉnh. Thực hiện tốt phương châm gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Các chính sách đến với người nghèo

Tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, ngoài thu nhập, còn có những mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó có 5 dịch vụ chính như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Vấn đề hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận thông tin góp phần quan trọng để họ có thêm cơ hội cập nhật thông tin, nắm bắt và thực hiện tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

 Giai đoạn 2019-2020, ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện hành, Bình Dương sẽ mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo. Gắn công tác giảm nghèo với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Bình Dương: Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội - Ảnh 1.

Bình Dương sẽ mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo

 Tập trung vào các giải pháp phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Đồng thời phải làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào các chính sách xã hội, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, khơi gợi ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo".

Phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tại các địa phương, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát chính sách về vay vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách hỗ trợ giáo dục: miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non cho con hộ nghèo; chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Chính sách hỗ trợ xây, sửa nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương vv...

Đặc biệt, Bình Dương không chỉ sử dụng ngân sách chăm lo cho người nghèo mà còn kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để xây tặng nhà đại đoàn kết, khám chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo…

Từ nguyên nhân, giải pháp thoát nghèo

Theo ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH, để giảm nghèo hiệu quả, cần xác định và hiểu rõ nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt được nhu cầu, từ đó hướng dẫn cách làm ăn và sử dụng nguồn vốn thiết thực cho người nghèo, cận nghèo.

 Đặc biệt, tìm rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo để dần thoát nghèo. Chính vì vậy, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng với địa phương trong tỉnh tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với các hộ nghèo. Tại đây, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã nêu lên ý kiến, mong muốn để tỉnh có chính sách hỗ trợ một cách thiết thực, gắn với thực tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bình Dương: Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội - Ảnh 3.

Học nghề góp phần phát triển kinh tế địa phương và vươn lên thoát nghèo bền vững

Đối thoại còn là cách làm để tìm ra những giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc, tồn đọng ở cơ sở trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện các nguồn lực giảm nghèo.

Tại huyện Phú Giáo, mỗi năm tổ chức từ 7 - 10 buổi đối thoại giữa lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện với hộ nghèo. Đối thoại đã giúp lãnh đạo, hộ nghèo hiểu nhau hơn để cùng đưa ra cách làm hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Giáo, chia sẻ: "Việc tổ chức đối thoại nhằm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, năng lực của người nghèo, cũng như mức độ tiếp cận của người nghèo đối với chính sách, dự án giảm nghèo và hiệu quả đem lại của các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ nhà ở, vay vốn, sức khỏe... Từ đó, huyện sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững".

Qua các buổi tiếp xúc cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, cuối năm 2019, toàn tỉnh thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ làm nông lâm nghiệp có mức sống trung bình, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 1.5%.

Và phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Lê Minh Quốc Cường, căn cứ theo chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giai đoạn 2020-2025. Tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo theo quy định của Trung ương, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành những chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bình Dương: Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội - Ảnh 4.

Tiếp tục thực hiện Đề án "Dạy nghề - tạo việc làm dựa vào cộng đồng" cho người nghèo

Thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoàn thiện Bộ tiêu chí điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều theo hướng sát hợp, phản ánh được thực trạng, mức sống của cư dân, hộ gia đình của địa phương cho giai đoạn tra2020-2025.

Tiếp tục thực hiện Đề án "Dạy nghề - tạo việc làm dựa vào cộng đồng" cho người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030. Tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo được học nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của họ, đảm bảo sau khi học nghề có việc làm để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Ông Cường thông tin.