Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bình Dương: Hiệu ứng nguy hại từ vụ 43 ha đất?

(Dân sinh) - Vụ chuyển nhượng 43ha đất thực hiện Dự án Tân Phú có thể ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Bình Dương...

Phát ngôn trên Báo Bình Dương, ngày 4/3/2020, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy khẳng định: Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Cty Bình Dương) trực thuộc Tỉnh ủy quản lý, khu đất 43ha thực hiện dự án Tân Phú là tài sản của Tổng Cty, chủ sở hữu là Tỉnh ủy. Quá trình liên doanh, chuyển nhượng 43ha đất, góp vốn và chuyển nhượng vốn góp, Tổng Cty đã làm không đúng chủ trương của Tỉnh ủy và báo cáo Tỉnh ủy không đầy đủ thông tin.

Một tháng sau, ngày 9/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Ngày 16/12/2019, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Bình Dương: Hiệu ứng Domino từ vụ 43 ha đất - Ảnh 1.

Dự án Tân Phú

Kết quả điều tra xác định: khu đất có diện tích 43 ha là tài sản Nhà nước giao cho Tổng Cty Bình Dương thực hiện dự án Tân Phú. Năm 2016, Tổng Cty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất này cho Cty Tân Phú với giá là 250.110.964.496 đồng (giá do các bên tự thỏa thuận).

Việc chuyển nhượng 43 ha đất do Tổng Cty Bình Dương thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo Điều 27, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát số tiền hơn 126 tỉ đồng so với Bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016.

Hành vi do 3 cá nhân thuộc Tổng Cty Bình Dương thực hiện, gồm: Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV); Trần Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc; Huỳnh Thanh Hải, thành viên HĐTV đại diện phần vốn góp của TCty Bình Dương tại Cty Tân Phú, đã đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trước đó 2 năm, điều khó hiểu là vào ngày 14/8/2018, Tổng Cty Bình Dương đã có văn bản số 80/CV/TCTY.TCKT gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương và Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương báo cáo quá trình chuyển nhượng khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Cty Tân Phú. Báo cáo nêu rõ quá trình thành lập công ty liên doanh Tân Phú, góp vốn, chuyển nhượng vốn góp và chuyển nhượng 43ha đất đều tuân theo chủ trương của Tỉnh ủy.

Riêng nội dung chuyển nhượng 43ha đất, báo cáo nêu rất cụ thể. Xin trích nguyên văn: "Ngày 1/7/2010, Tổng Cty Bình Dương đã ký Hợp đồng thỏa thuận với Cty Âu Lạc để thành lập Liên doanh Cty Tân Phú; ngày 17/8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có Công văn 1830-CV/TU đồng ý chủ trương cho Tổng Cty được hợp tác với Cty Âu Lạc để thành lập liên doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43ha thuộc khu đất dịch vụ 567,3 ha của khu liên hợp, trong đó, Tổng Cty góp 30% vốn điều lệ. Liên doanh sẽ thực hiện đầu tư kinh doanh dự án khu dân cư tại khu đất 43 ha, giá chuyển giao khu đất để Liên doanh thực hiện dự án được thỏa thuận tại thời điểm này là 570.000 đồng/m2 (tương ứng 30USD/m2, cao hơn so với mức giá 14-16USD/m2 khi thỏa thuận chuyển giao đất cho 2 đối tác đầu tư sân golf và khu dân cư tại 2 dự án Sân golf Phú Mỹ vầ Sân golf Tân Thành thuộc khu liên hợp).

Ngày 9/9/2010, Cty Tân Phú được thành lập có giấy chứng nhận doanh nghiệp 3701774462, có vốn điều lệ 200.000.000 đồng, trong đó Tổng Cty góp 60 tỷ đồng chiếm 30%, Cty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng chiếm 70% vốn điều lệ. TCty Bình Dương và Cty Tân Phú đã làm các thủ tục pháp lý để thực hiện dự án theo Hợp đồng liên doanh. Ngày 8/12/2016, TCty Bình Dương ký Hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Cty Tân Phú để thực hiện cam kết theo Hợp đồng liên doanh, theo đó giá trị Hợp đồng chưa bao gồm thuế VAT là 250,111 tỷ đồng (gồm giá trị bồi hoàn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hạ tầng kết nối là 245,100 tỷ đồng – tương ứng 570.000 đồng/m2 theo Hợp đồng liên doanh; và hoàn trả tiền giao đất thương mại dịch vụ 5,011 tỷ đồng – chưa bao gồm trong đơn giá của Hợp đồng liên doanh). Thực hiện hoàn tất Hợp đồng liên doanh và chuyển giao khu đất đã mang lại cho TCty một khoản lợi nhuận 200,639 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, việc chuyển giao khu đất 43ha này thông qua Hợp đồng chuyển nhượng ngày 8/12/2016 là phù hợp với chủ trương cho phép Tổng Cty hợp tác liên doanh đầu tư, thuộc trách nhiệm của Tổng Cty khi thực hiện Hợp đồng liên doanh đã ký ngày 1/7/2010".


Điều cần lưu ý ở đây là trong nội dung báo cáo kể trên, Tổng Cty Bình Dương đã thể hiện rõ Hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất ký năm 2016 là để thực hiện cam kết theo Hợp đồng liên doanh năm 2010. Giá chuyển nhượng 43ha đất được căn cứ vào thời điểm ký kết Hợp đồng liên doanh, cụ thể là 570.000 đồng/m2, là giá đất được UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2010.

Việc áp giá kể trên chính là nội dung mà Cơ quan điều tra Công an Bình Dương cho là "vi phạm pháp luật" do không theo Bảng giá do UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2016, gây thất thoát hơn 126 tỷ đồng, nên đã khởi tố vụ án hình sự.

Bình Dương: Hiệu ứng Domino từ vụ 43 ha đất - Ảnh 3.

Dự án Tân Phú được chuyển nhượng đúng pháp luật


Ngày 24/8/2018, Văn phòng Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo "Kết luận và chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 16/8/2018". Nội dung Thông báo ghi: "Sau khi nghe đại diện lãnh đạo TCty Bình Dương trình bày báo cáo số 80/CV/TCTY.TCKT, ngày 14/8/2018, về quá trình chuyển nhượng khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Cty Tân Phú, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, đồng chí Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã kết luận và chỉ đạo: Trong quá trình xem xét các hồ sơ có liên quan, các sở chuyên môn đã chủ động làm việc trước với TCty Bình Dương; tại phiên họp, Lãnh đạo các đơn vị dự họp đều thống nhất đánh giá quá trình chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại Cty Tân Phú là phù hợp với qui định của pháp luật, tình hình thực tế và có lý có tình".


Từ việc báo cáo có nội dung vi phạm pháp luật của Tổng Cty, nhưng các cơ quan chức năng chuyên ngành mặc dù đã nghe báo cáo, thảo luận "xem xét hồ sơ có liên quan", "các sở chuyên môn đã làm việc trước với TCty" nhưng kết quả là không phát hiện được, ngược lại, các cơ quan chức năng ngành chuyên môn lại thống nhất đánh giá "phù hợp với qui định của pháp luật, tình hình thực tế và có lý, có tình". Sư đánh giá trên là căn cứ pháp lý quan trọng để liên doanh Cty Tân Phú được hoàn tất thủ tục pháp lý để xác lập pháp nhân hợp pháp với 1 thành viên là Cty Âu Lạc.

Hiệu ứng tiếp theo là Cty Âu Lạc có đủ cơ sở để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại Cty Tân Phú cho Cty Kim Oanh. Cty Kim Oanh hoàn toàn có đủ cơ sở để quyết định mua toàn bộ vốn của Cty Âu Lạc tại Cty Tân Phú, với giá chuyển nhượng hơn 350 tỷ đồng, trở thành chủ sở hữu duy nhất phần vốn tại Cty Tân Phú để tiếp tục thực hiện dự án.

Mọi việc tưởng hanh thông thì khựng lại với những diễn biến không thể lường trước, đẩy nhà đầu tư mới vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" cùng hậu quả phải gánh chịu ngày càng nặng nề.

Đầu tiên là tỉnh bất ngờ thu hồi chủ trương cho phép TCty Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp khi việc chuyển nhượng đã hoàn tất, đã qua 2 chủ mới, với lý do là TCty đã góp vốn không phải bằng tiền mặt.

Tiếp đến là Thanh tra vào cuộc, không kết luận được do "vượt thẩm quyền", vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra và khởi tố vụ án hình sự. Rồi 43ha đất bị xác định là "vật chứng" của vụ án hình sự, Cơ quan điều tra không giao cho Cty Tân Phú đang quản lý hợp pháp mà giao cho chính quyền phường Hòa Phú tạm quản lý để tiến hành điều tra.

Việc "quản lý vật chứng là 43ha đất" không những "đóng băng" Dự án Tân Phú, mà cùng với việc mất quyền quản lý khu đất 43ha là rộ lên nhiều thông tin, trong đó có nhiều thông tin sai lệch, không có cơ sở nhắm vào chủ đầu tư mới.

Không chỉ một mình Cty Kim Oanh chịu trận, mà các thành viên của Tập đoàn Kim Oanh đều bị cuốn vào những thông tin sai lệch. Thậm chí còn có thông tin đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra tất cả 42 dự án trên nhiều tỉnh của Tập đoàn Kim Oanh, đòi xét lại cả Huân chương lao động Hạng nhì đã trao tặng cho Kim Oanh, cho dù đến nay chưa có cơ quan có thẩm quyền nào kết luận Tập đoàn Kim Oanh vi phạm pháp luật.

Uy tín của một Tập đoàn có nhiều đóng góp cho ngân sách địa phương và hoạt động từ thiện xã hội nhiều năm nay được ghi nhận đang bị xâm hại nặng nề. Tập đoàn Kim Oanh đã làm đơn kêu cứu, tố cáo gửi nhiều nơi. Căn cứ đơn tố cáo của Tập đoàn Kim Oanh, dàn lãnh đạo Cty Thiên Phú đã bị Bộ Công an khởi tổ và bắt tạm giam. Tuy nhiên, hiệu ứng gây hại cho Tập đoàn Kim Oanh vẫn không dừng lại.

Sau vụ tạm giữ "43 ha đất vật chứng", xuất hiện nhiều thông tin hướng dư luận nghi ngờ Kim Oanh liên quan đến vụ án hình sự, Tập đoàn Kim Oanh đã phải nhiều lần lên tiếng khẳng định họ không hề liên quan gì đến vụ chuyển nhượng 43ha cúa các chủ đầu tư trước, không liên quan gì đến những người bị bắt tạm giam.

Để trấn an hàng ngàn khách hàng đang hoang mang, Tập đoàn Kim Oanh lại phải ra Thông báo khẳng định sự thật về hoạt động của các công ty thành viên; tiếp tục đề xuất với tỉnh nhiều giải pháp chấp nhận thiệt thòi để tiếp tục triển khai dự án.

Mới đây nhất, ngày 10/5/2020, để đối phó với nhiều thông tin ác ý, Cty Nam Kim, thành viên của Tập đoàn Kim Oanh lại phải ra Thông báo khẳng định: Cty Nam Kim không vay vốn bằng tài sản thế chấp là khu đất 43 ha của Cty Tân Phú.

Môi trường đầu tư được đánh giá ở thứ hạng cao trong cả nước của tỉnh Bình Dương đang bị ảnh hưởng, Tập đoàn Kim Oanh có nhiều đóng góp cho tỉnh Bình Dương đang gặp rất nhiều khó khăn. Thiết nghĩ tỉnh cần có biện pháp để chặn lại hiệu ứng nguy hại từ vụ chuyển nhượng 43ha đất thực hiện Dự án Tân Phú.