Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ luật Lao động 2019 và hành trình bảo vệ quyền lợi người lao động

(Dân sinh) - Xét về phương diện thời gian, 3 năm cho việc sửa đổi một bộ luật có thể là dài. Nhưng, xét về phương diện tác động, hơn 1 nghìn ngày để bảo vệ quyền lợi toàn diện cho gần 56 triệu lao động và hàng trăm nghìn doanh nghiệp lại trở nên quá ngắn. Và, để hành trình này về đích đúng thời hạn như đã hứa với Quốc hội, cử tri và bạn bè quốc tế thì những người chủ trì soạn thảo không chỉ làm việc với sự cẩn trọng và bầu nhiệt huyết cao nhất mà họ đã thực sự phải “cháy” hết mình…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời báo chí nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020.

Động lực… từ áp lực "đăng lên - gỡ xuống"

Một trong những áp lực đầu tiên mà Ban Soạn thảo vấp phải đó là các nội dung lấy ý kiến bị đăng lên gỡ xuống không biết bao nhiêu lần. Lý do, không phải vì nội dung chưa được chuẩn bị tốt mà là ở chỗ, sự tác động của Bộ luật rất rộng lớn; được nhân dân, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học quan tâm. Nhiều nội dung chứa đựng nhiều điều nhạy cảm như độ tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện người lao động ngoài công đoàn, vấn đề thương lượng, đình công... mà khi Bộ luật có hiệu lực, sẽ giải quyết căn bản việc cải thiện điều kiện làm việc, tiêu chuẩn lao động, giải quyết quan hệ quyền lợi và nghĩa vụ các bên trong quan hệ lao động; nội luật hóa các cam kết quốc tế và thực thi các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại...

Bộ luật Lao động 2019 và hành trình bảo vệ quyền lợi người lao động - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời báo chí

Chia sẻ về vấn đề này Bộ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, với tư cách Trưởng ban Soạn thảo cho biết, chính áp lực đó đã tạo ra động lực cho Ban Soạn thảo vượt qua. Trong gần một tháng (từ 28/4 đến 24/5 năm 2019), khi bắt đầu đăng website lấy ý kiến nhân dân, Ban Soạn thảo đã có hàng chục cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, với Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các Bộ, ngành liên quan và không biết bao nhiêu cuộc họp nội bộ vào giờ nghỉ trưa, buổi tối hay ngày thứ bảy, chủ nhật. Có những cuộc làm việc ngoài giờ kéo dài tới 9 - 10 giờ tối với nhiều cách thức từ trao đổi trực tiếp, điện thoại đến trình chiếu toàn văn Dự thảo Bộ luật lên "tường nhà" để Ban Soạn thảo cùng xem xét, cân nhắc từng nội dung, quy phạm, quy định; từng dấu chấm, dấu phẩy… trước khi Chính phủ trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy tháng 6 năm 2019.

Đằng sau "hiệu lệnh" là vận mệnh của hàng triệu người

Bắt đầu từ tháng 11- 2016, Bộ LĐ-TB&XH chính thức khởi động xây dựng Dự án sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV. Kế hoạch ban đầu, Bộ luật chỉ sửa một số điều. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn, thị trường lao động và mức độ bao trùm sâu rộng của Bộ luật đến tất cả các quan hệ lao động, Quốc hội quyết định, cần phải sửa tổng thể nhằm giải quyết căn bản những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, đáp ứng những yêu cầu mới, lâu dài mở đầu cho hình thành, phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và cam kết quốc tế. Hàng loạt vấn đề được đặt ra: Làm sao để Bộ luật có sức sống lâu dài? Làm sao để vừa thúc đẩy phát triển thị trường lao động Việt Nam vừa hài hòa được quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động? Hay, đối với những vấn đề lần đầu tiên được đưa ra bàn như điều chỉnh lao động khu vực phi chính thức chẳng hạn… Tất cả, đòi hỏi những người làm luật phải trăn trở; bởi, đằng sau yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của thực tiễn cuộc sống là vận mệnh của gần 56 triệu lao động cùng thân nhân của họ và hàng trăm nghìn doanh nghiệp.

Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên

"Quá trình thảo luận, phần đông đại biểu Quốc hội muốn giảm ngay giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, trong đó có tôi. Nhưng khi đứng ở góc độ lợi ích quốc gia, nhất là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, vấn đề này phải được xem xét thật thận trọng…" - tư duy này đã trở thành yếu tố hóa giải cho những quan điểm trái chiều khi tranh luận về quy định giờ làm thêm mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thuyết phục các đại biểu Quốc hội và người lao động.

Dẫn ví dụ trong khối ASEAN hiện có 8 nước đang duy trì 48 giờ/tuần như Việt Nam, chỉ có Singapore và Indonesia có số giờ làm việc thấp hơn. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Singapore năm 2018 là 65.000 USD/người/năm, gấp 21 lần Việt Nam. Theo tính toán của Ban Soạn thảo, nếu giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần thì tổng thời gian giảm đi sẽ là 208 giờ/năm; tổng chi phí lao động tăng lên 10%; tổng giá trị xuất khẩu giảm khoảng 20 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,5%... Trong khi, Việt Nam đang nỗ lực duy trì tăng trưởng bình quân 7%/năm để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Và điều này chắc chắn không ai mong muốn!

Bình đẳng giới và câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu

Tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung thu hút nhiều tranh luận trong Dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi). Trên thực tế Bộ trưởng đã phát biểu và khẳng định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, ngay cả đối với những nước đã thực hiện thành công. Với Việt Nam, tăng tuổi nghỉ hưu là lời giải hiệu quả đi tắt, đón đầu cho bài toán già hóa dân số mà chúng ta đang phải đối mặt. Xa hơn, là giải quyết mục tiêu bao trùm về tăng trưởng kinh tế - xã hội, việc làm ổn định, bảo toàn và phát triển bền vững Quỹ Bảo hiểm Xã hội, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới. 

Bộ luật Lao động 2019 và hành trình bảo vệ quyền lợi người lao động - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (thứ hai từ trái qua) lắng nghe những đóng góp của thợ mỏ vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng khẳng định: Không có chuyện điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu là để người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau!

Theo đó, việc điều chỉnh sẽ thực hiện dần theo lộ trình để tới năm 2028, sẽ có lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62; và đến năm 2035, sẽ có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Riêng đối với người lao động nặng nhọc, độc hại, ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ có lộ trình điều chỉnh hoàn toàn khác. Đối với những trường hợp có trình độ cao, có thể sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm và sẽ chuyển sang làm chuyên gia. Quan điểm này đã nhận được đồng tình từ bà Laskmi Puri, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Phụ nữ của Liên Hợp Quốc (UN Women) khi trước đó, trong một lần gặp Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại trụ sở Liên Hợp Quốc, bà Laskmi Puri từng đề nghị Việt Nam hãy tiên phong nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả hai giới lên bằng nhau.

Một Bộ luật được nhiều tổ chức quốc tế quan tâm

Điều đặc biệt, khi Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 vừa hoàn tất trình Quốc hội thảo luận, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có bản bình luận tới 120 trang về những điều tương thích của Bộ luật với các nguyên tắc của ILO. Thậm chí, 5 phút sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) thì Nghị viện châu Âu đã nhận được báo cáo từ ILO.

Bộ luật Lao động 2019 và hành trình bảo vệ quyền lợi người lao động - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Trước đó tháng 6.2019, trong chuyến công tác tại Thụy Sĩ và Bỉ với tư cách là Đặc phái viên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhận được câu hỏi từ các bạn quốc tế: Bao giờ Việt Nam sẽ thông qua Bộ luật Lao động? Có thông qua, hay sẽ lùi lại? Và, vấn đề tổ chức đại diện của người lao động ngoài công đoàn sẽ được quy định thế nào? Thậm chí, Phó Thủ tướng Bỉ từng thông tin với cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Bỉ sẽ chỉ tiếp Đặc phái viên của Thủ tướng Việt Nam nếu chúng ta thông qua Công ước 98 và duy trì lịch thông qua Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) tại Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019. Còn Phó Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng từng khẳng định, điều kiện tiên quyết hiện nay để châu Âu ký các hiệp định EVFTA là Việt Nam phê chuẩn Công ước 98 và thông qua được Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi).

Có thể thấy, các tổ chức quốc tế, nhất là các quốc gia EU không chỉ quan tâm đến các vấn đề thương mại, mà quan trọng, họ muốn biết người dân sẽ được thụ hưởng gì từ các hiệp định thương mại, họ muốn nhìn thấy sự phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại; cũng như việc chúng ta sẽ nội lực hóa các công ước quốc tế thế nào trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động 2012.

Bộ luật Lao động 2019 và hành trình bảo vệ quyền lợi người lao động - Ảnh 4.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lắng nghe ý kiến của người lao động ngành may về Luật Lao động( sửa đổi)

Trên tất cả, chính sách phải bắt đầu từ cuộc sống!

Trong 3 năm chạy đua với thời gian, đã có hàng trăm hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc, tiếp xúc song phương, đa phương; cũng không thể đếm xuể có bao nhiêu báo cáo được viết ra và bao lần phải chỉnh sửa; càng không thể tính nổi, đã có bao cuộc tranh luận nảy lửa để tìm ra tiếng nói chung. Nhưng quý giá hơn cả đối với người làm chính sách vẫn là ý kiến từ chính người lao động. Bởi thế, trong hành trình xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có rất nhiều chuyến thực địa, trò chuyện với người lao động; xuống hầm lò gặp thợ mỏ; thăm hỏi, ăn cơm với công nhân may… để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Tại đây, hơi thở cuộc sống đã được chắt lọc và đi vào trong mỗi câu chữ của Bộ luật và chắc chắn, khi đi vào cuộc sống, Bộ luật Lao động 2019 sẽ tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế - xã hội.