Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ luật Lao động (sửa đổi): Không chỉ là lý tưởng xã hội mà còn là bài toán kinh tế rất lớn

(Dân sinh) - Việc Chính phủ thiết tha đề nghị Quốc hội cho phép mở rộng khung thời gian làm thêm và giữ nguyên giờ làm việc bình thường trong Bộ luật lao động (sửa đổi) để đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế và lợi ích chung của quốc gia đã nhận được sự đồng tình và chia sẻ của nhiều đại biểu Quốc hội…

Không nới rộng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu nông dân

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung từng nhấn mạnh, việc giảm giờ làm việc bình thường là vấn đề lớn, có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan, như đối với người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đối với Nhà nước và có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng cho biết, đứng về góc độ kinh tế, nếu như hiện nay giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ thì tổng thời gian giảm là 208 giờ, trong khi đó, Chính phủ đang xin đại biểu Quốc hội cho tăng giờ. Tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ đôla mỗi năm. Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.

"Chúng ta là một quốc gia đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Tính bình quân các chuyên gia dự báo nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam hiện nay phải phấn đấu làm sao tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Chính vì vậy, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần phải đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để đến thời điểm thích hợp chúng ta sẽ giảm giờ làm việc.", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ luật lao động (sửa đổi): Không chỉ là lý tưởng xã hội mà còn là bài toàn kinh tế rất lớn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lắng nghe ý kiến của người lao động ngành may về Bộ luật lao động (sửa đổi)

Quan điểm đó của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình và chia sẻ của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho biết, khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong ngày, không quá 30 giờ trong tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm. Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này khi áp dụng trên thực tế cũng đã vấp phải sự phản đối của cả người lao động và người sử dụng lao động, bởi lẽ ở một số địa phương một bộ phận không nhỏ người lao động mong muốn nâng cao giới hạn giờ làm thêm để nâng cao thu nhập.

"Đối với các doanh nghiệp quy định làm thêm giờ theo tháng không quá 30 giờ/1 tháng là cứng nhắc, không phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất gia công hàng hóa, chế biến thủy sản để xuất khẩu vốn phụ thuộc vào đơn hàng và mùa vụ kinh doanh. Do vậy, quy định giới hạn làm thêm giờ cần linh hoạt dựa trên tính chất từng ngành nghề.", đại biểu nhấn mạnh.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời gian làm thêm theo quy định hiện hành không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành nghề đặc thù, ví dụ đối với ngành nghề thủy sản mà tôm là ví dụ điển hình. Nguồn cung ứng nguyên liệu chỉ nhiều nhất trong khoảng 3 đến 5 tháng và đây là khoảng thời gian để các doanh nghiệp chế biến cần làm thêm giờ để có thể thu mua hết sản phẩm của bà con nông dân. Chuỗi giá trị của ngành thủy sản không chỉ liên quan đến 9 vạn lao động trực tiếp của các doanh nghiệp chế biến mà còn liên quan đến công ăn việc làm của gần 5 triệu lao động toàn ngành."Việc không nới rộng thời gian làm thêm của doanh nghiệp chế biến sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân, doanh nghiệp và người lao động tại những vùng còn rất nghèo của đất nước. Bức tranh tương tự cũng diễn ra trong các ngành dệt may, da giày, túi xách.", ông Lộc nói.

Bộ luật lao động (sửa đổi): Không chỉ là lý tưởng xã hội mà còn là bài toàn kinh tế rất lớn - Ảnh 2.

Không nới rộng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và sinh kế của hàng triệu nông dân nuôi trồng thủy sản

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cũng nhấn mạnh, mở rộng khung làm thêm giờ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, khi nền kinh tế Việt Nam mới chỉ là nền kinh tế đang phát triển, năng suất, chất lượng nguồn lao động chưa cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Việc mở rộng khung làm thêm giờ không chỉ xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế mà còn là nhu cầu của người lao động để tăng thu nhập. Theo đại biểu, việc tăng giờ làm thêm nên được áp dụng đối với một số ngành nghề và trong trường hợp đặc biệt như sản xuất gia công xuất khẩu là hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử, điện, chế biến nông, lâm, thủy sản, các trường hợp cấp bách hoặc do yếu tố khách quan…trên nguyên tắc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động…

Không đơn thuần là lý tưởng xã hội mà là bài toán kinh tế rất lớn

Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, Bộ Luật được ban hành là phải bảo đảm chế tài lâu dài, phải nghĩ đến tương lai. "Ta vẫn luôn bài bác hình ảnh "sớm cắp ô đi tối cắp về", vậy tại sao lại muốn người lao động chỉ làm việc trọn trong thời gian cố định đó. Ở các nước tiên tiến, chuyện làm việc sáng đèn suốt đêm là bình thường, thậm chí ở một số quốc gia họ còn phải hạn chế việc đó. Vấn đề ở đây là giám sát cường độ lao động và thu nhập tương xứng với lao động ấy, điều đó quan trọng hơn rất nhiều là con số làm nhiều hay làm ít. Vì thế mà tôi cho rằng, cách tiếp cận của một số người khi đòi giảm giờ làm ở thời điểm này chưa thực là khoa học." ông Quốc nói.

Theo ông Dương Trung Quốc, doanh nhân và doanh nghiệp chính là những người mang lại công ăn việc làm. Và việc chia sẻ lợi nhuận và thực thi pháp luật là hai tiêu chí mà cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc để vừa bảo vệ pháp luật mà đồng thời tạo ra sự công bằng trong vấn đề chia sẻ những lợi ích quốc gia.

"Nhiều người dân, trong đó có cả một số vị biểu Quốc hội luôn tiếp cận với Bộ Luật lao động (sửa đổi) này bằng cảm xúc nhiều hơn. Họ nhìn thấy ở Bộ luật những vấn đề lý tưởng xã hội mà không thấy rằng, thực ra đằng sau nó là bài toán kinh tế rất lớn. Nói thẳng ra, ai chẳng muốn công nhân làm ít đi nhưng nếu rút ngắn một thời lượng lao động nhất định thì hệ quả kinh tế là như thế nào? Từ thu nhập của công nhân cho đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp và cao hơn là sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ như thế nào? "-Đại biểu đặt câu hỏi.