Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ Tài chính công bố giá thành lúa vụ hè thu Đồng bằng sông Cửu Long giảm 169 đồng/kg

Theo cách tính của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất thóc kế hoạch vụ hè thu 2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bình quân khoảng 3.657 đồng/kg, giảm 169 đồng/kg so với vụ trước.

Mới đây, Bộ Tài chính có công văn 5471/BTC-QLG xin ý kiến bộ ngành liên quan về việc công bố giá mua thóc định hướng vụ hè thu 2020. Theo cách tính của Bộ này, mức giá thành sản xuất thóc kế hoạch vụ hè thu 2020 tại các tỉnh ĐBSCL dao động từ 2.955 đồng/kg đến 4.983 đồng/kg.

Bộ Tài chính công bố giá thành lúa vụ hè thu Đồng bằng sông Cửu Long giảm 169 đồng/kg - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong đó, giá thành lúa thấp nhất là tại Cà Mau, ở mức 2.955 đồng/kg, cao nhất là ở Bến Tre, lên tới gần 5.000 đồng/kg.

Theo đó, mức giá thành sản xuất bình quân thóc vụ hè thu năm nay tại ĐBSCL là khoảng 3.657 đồng/kg, giảm 169 đồng/kg so với vụ hè thu năm 2019.

Được biết, mức giá thành sản xuất thóc kế hoạch vụ hè thu 2019 tại các tỉnh ĐBSCL khoảng từ 3.074 – 4.904 đồng/kg, bình quân giá thành sản xuất thóc của vùng này năm 2019 khoảng 3.826 đồng/kg.

Trước nữa, giá thành sản xuất thóc vụ hè thu năm 2018 tại ĐBSCL là khoảng 4.059 đồng/kg, tăng hơn 156 đồng/kg so với giá thành thực tế lúa hè thu năm 2017, ở mức 3.903 đồng/kg.

Nhìn theo con số giá thành bình quân, nhiều người cho rằng giá thành ngày càng giảm thì đồng nghĩa với việc lợi nhuận từ nghề trồng lúa của bà con tăng lên. Tuy nhiên nhìn con số tính toán từ 12 tỉnh, thành phố trong khu vực đều cho thấy, thực tế giá thành sản xuất lúa vụ này đều tăng cao hơn vụ trước, với mức tăng từ 128 đồng đến 192 đồng/kg.

Ví dụ tại An Giang, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm ngoái là 3.945 đồng/kg, năm nay tăng lên 4.103 đồng/kg (tăng 158 đồng/kg); tại Bến Tre từ 4.791 đồng/kg, lên 4.983 đồng/kg, tăng 192 đồng/kg; tại Long An tăng 131 đồng/kg; tại Trà Vinh tăng 153 đồng/kg…

Bộ Tài chính cho biết, cách tính giá thành trên dựa theo Thông tư số 77/2018/TTLT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ Tài chính quy định về phương pháp điều tra, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất thóc hàng hóa các vụ trong năm.

Được biết, việc Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa để làm giá cơ sở định hướng cho các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo ở ĐBSCL đã được thực hiện mấy năm nay. Mục đích của việc làm này để điều chỉnh chính sách sao cho nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu 30% (giá thành + 30% = giá thu mua thấp nhất).