Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giao đơn vị phi lợi nhuận đưa XKLĐ, tăng cơ hội việc làm cho người lao động

(Dân sinh) - “Trao đổi lại với cơ quan quản lý lao động của Nhật Bản và Hàn Quốc, phía nước bạn yêu cầu nếu giao cho doanh nghiệp tổ chức việc đưa lao động đi thì không đạt được thống nhất. Vì theo họ, đây là hoạt động phi lợi nhuận, mà đã giao cho doanh nghiệp là có việc thu phí với người lao động. Nên phía nước bạn chỉ đồng ý nguyên tắc là giao cho đơn vị nào đó tùy Việt Nam nhưng không thu phí. Thực tế, nếu không giao cho một đơn vị phi lợi nhuận thì có nghĩa cơ hội tạo việc làm cho một bộ phận người lao động của chúng ta sẽ mất đi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Chiều nay 23/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). 

Bên cạnh hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành, nên quy định trong Luật, giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh (do Chủ tịch tỉnh thành lập) đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài theo Thỏa thuận quốc tế, thì vẫn có một vài ý kiến băn khoăn có nên không, hay phải giao cho cả doanh nghiệp ngoài công lập để tạo sự công bằng, bình đẳng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giao đơn vị phi lợi nhuận đưa XKLĐ, tăng cơ hội việc làm cho người lao động - Ảnh 1.

Toàn cảnh Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp thu, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu (Ảnh: Minh Đức)

Giải pháp cắt giảm chi phí cho người lao động

Tiếp thu, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, về vấn đề quy định đối tượng áp dụng tại Điều 2, trong đó có vấn đề giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm, thời gian vừa qua, nhu cầu từ các địa phương của hai quốc gia - nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, Chính phủ nhận thấy đây là "vấn đề mới, do đó đã đồng ý cho 6 tỉnh tiến hành thí điểm", ông nhấn mạnh.

Chủ yếu 6 tỉnh này làm việc thí điểm với các địa phương của Hàn Quốc, trong đó chỉ tập trung đưa một lực lượng lao động ngắn hạn từ 3 tháng đến 5 tháng ở độ tuổi lao động chưa đến 60, thời gian tối đa 5 tháng.

"Như vậy, có thể thấy, việc này phù hợp thông lệ quốc tế, và phù hợp Tuyên bố cấp cao ASEAN về lao động di cư mà Việt Nam đã cam kết", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết.

Đồng thời, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây cũng là giải pháp cắt giảm chi phí cho người lao động, bởi vì người lao động không phải trả tiền dịch vụ và tiền môi giới.

Và vấn đề các đại biểu băn khoăn, "liệu không có tranh chấp gì với doanh nghiệp không, nếu các Trung tâm việc làm này được đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế?", Bộ trưởng khẳng định: "Câu trả lời ở đây là không!".

Bộ trưởng nêu rõ, bởi vì, các Trung tâm thực hiện việc này hoàn toàn phi lợi nhuận.

Các Trung tâm chỉ thực hiện nhiệm vụ khi có thỏa thuận giữa Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố với Hàn Quốc, và sau khi Chủ tịch UBND báo cáo với các Bộ: Tư pháp, LĐ-TB&XH, Ngoại giao đồng ý thì mới tiến hành. Như vậy, trung tâm này chỉ thực hiện ở công việc khi được giao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, việc này chỉ thực hiện ở những thời điểm nhất định, chứ không phải trong cả quá trình; thời gian thực hiện thì chỉ chỉ thực hiện trong 3 - 5 tháng, và không phát sinh bộ máy, không hề phát sinh tổ chức mới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giao đơn vị phi lợi nhuận đưa XKLĐ, tăng cơ hội việc làm cho người lao động - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Minh Đức)

Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết, gần đây nhất, sau Kỳ họp thứ 9, "chúng tôi có trao đổi lại với cơ quan quản lý lao động của hai quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc, thì phía nước bạn yêu cầu nếu giao cho doanh nghiệp thì không đạt được thống nhất.

Vì theo họ, đây là hoạt động phi lợi nhuận, mà đã giao cho doanh nghiệp là có việc thu phí với người lao động. Nên phía nước bạn chỉ đồng ý nguyên tắc là giao cho đơn vị nào đó tùy Việt Nam nhưng không thu phí, và đảm bảo phi lợi nhuận.

"Thực tế, nếu không giao cho một đơn vị phi lợi nhuận thì có nghĩa cơ hội tạo việc làm cho một bộ phận người lao động của chúng ta sẽ mất đi", ông nói.

Quỹ dành cho những tình huống cấp bách

Liên quan đến Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Thời gian vừa qua báo cáo đánh giá, ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo giải trình, chúng tôi cho rất là thấu đáo"

Và về cơ quan quản lý lao động ngoài nước, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho rằng "chúng tôi rất cần quỹ này".  

Theo đó, Bộ trưởng cho hay, bản chất quỹ như một cơ chế dự phòng, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường, giải quyết những vấn đề tranh chấp… Nhưng quỹ chỉ chi vào những khoản mà Nhà nước không đầu tư hoặc Nhà nước có đầu tư nhưng không đáp ứng, và những tình huống cấp bách… (bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng – P.V) thì sử dụng Quỹ này.

"Thời gian tới, tinh thần chung, sau khi Quốc hội thông qua, có thể ban hành Nghị định, hoặc nếu Luật cho phép, có thể giao cho Thủ tướng ban hành quyết định thành lập quỹ này và giao cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy như thế nào, "nhưng tinh thần là không tăng bộ máy và không tăng biên chế", Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Về minh bạch thu tiền dịch vụ, lãnh đạo Bộ thông tin, từ năm 2007, tất cả việc thu tiền dịch vụ, tiền môi giới của các doanh nghiệp đối với người lao động đã được thực hiện bằng một quyết định.

Bộ trưởng thẳng thắn, thời gian qua, tuy đã có quy định công khai, nhưng tình trạng lách chủ trương này vẫn có, do đó, vẫn có việc tăng tiền môi giới từ thu phí đằng sau. "Do đó, tại Điều 24 trong dự thảo này, chúng ta quy định toàn bộ mức thu lệ phí và môi giới vào trong luật này thì đây là một bước tiến bộ rất lớn", ông Dung nói.

"Tôi cũng vừa trao đổi một số tổ chức quốc tế, thông thường các nước giao cho Chính phủ quy định sẽ linh hoạt hơn, nhưng chúng ta cụ thể hóa nâng từ nghị định lên thành luật thì đây là vấn đề rất tiến bộ của chúng ta. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán cũng như trong các thỏa thuận quốc tế giữa các nước với nhau, thì thường có quy định mức phí cụ thể", Bộ trưởng cho hay và nêu ví dụ, như điều dưỡng viên thì mức khác, lực lượng lao động nông nghiệp thì có mức khác.

"Do đó chúng tôi đề nghị ngoài quy định ở trong luật này thì cần phải quy định thêm "những vấn đề khác" ở trong luật, mà theo điều ước quốc tế cũng như theo thỏa thuận quốc tế giữa 2 quốc gia thì giao cho Chính phủ quy định. Như vậy không đóng cứng chuyện này vào", ông nêu rõ.

Điểm cuối cùng, về lao động đường biên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là nội dung hoàn toàn khác, không chi phối được trong luật này, vì vậy Chính phủ giao đã cho Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương.

Và hiện đang phối hợp theo hướng là xây dựng một nghị định trung lập trong vấn đề quản lý việc này, "làm sao đảm bảo minh bạch nhất, nhanh nhất nhưng có hiệu quả", ông nói.