Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Không để tình trạng khái niệm chung ai cũng có thành tích nhưng lỗi thì không ai nhận'

“10 năm qua, chúng ta thay đổi nhận thức rất nhiều, trong đó có một thay đổi rất quan trọng là: “Thay đổi nhận thức của người đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em gái". Sự thay đổi này đã hiện hữu trong từng gia đình. Đó là một sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân cũng như toàn cơ quan chuyên môn trong công tác bình đẳng giới”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Không để tình trạng khái niệm chung ai cũng có thành tích nhưng lỗi thì không ai nhận' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam diễn ra chiều 17/10 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì Hội nghị.

Nhiều thành tựu đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu thực thi hành từ ngày 1/7/2007. Thời gian qua, Luật Bình đẳng giới đã được các bộ, ngành, cơ quan tổ chức, đơn vị và địa phương tổ chức, triển khai thi hành, góp phần đảm bảo thi hành tốt quyền con người, quyền công dân, đảm bảo an sinh xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới trong 8 lĩnh vực quy định tại Luật Bình đẳng giới đã có những tiến bộ rõ nét. Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị: Tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Tính đến 2017, 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt.

Thực hiện Luật Bình đẳng giới: Hành trình thay đổi nhận thức của đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em gái - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.

Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ 48% đến 48,5%. Từ năm 2011, có khoảng 80 - 100 nghìn lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài hằng năm, trong đó 60 - 65% là nam giới.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ học sinh nam và nữ tham gia giáo dục phổ thông có sự ổn định trong 10 năm. Tỷ lệ học sinh nữ ở cấp tiểu học và trung học cơ sở là 47 - 48%; tại cấp trung học phổ thông tăng khoảng 3% trong 10 năm và tỷ lệ học sinh nam giảm tương ứng ở cấp học này. Giai đoạn 2007 - 2015, tỷ lệ sinh viên nữ tăng 8,71% so với nam.

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, số lượng nhà khoa học nữ chiếm tỷ lệ cao và tăng dần theo thời gian từ 41% năm 2011 lên 44,8% năm 2015. Nhà khoa học nữ làm chủ nhiệm các đề tài khoa học, công nghệ cấp quốc gia ngày càng tăng (số liệu tính đến năm 2016 có 19,2% đề tài cấp quốc gia do nữ chủ trì). Nhiều nhà khoa học nữ đã được tôn vinh, được nhận các giải thưởng trong và ngoài nước. Giai đoạn 2007 - 2016, số lượng nữ Giáo sư, Phó giáo sư tăng 4% - từ 447 người lên 710 người.

Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, hoạt động nâng cao năng lực cho các cơ quan thông tin đại chúng được các cơ quan chức năng chú trọng triển khai. Tuy nhiên, sự tham gia của truyền thông về bình đẳng giới vẫn còn hạn chế. Các vận động viên nữ và nam đã có nhiều cống hiến và đóng góp vào thành công chung của nền thể thao. Giai đoạn 2012 - 2016, tỷ lệ huy chương do vận động viên nữ đạt được tại các giải đấu quốc tế, khu vực chiếm 48,7%.

Thực hiện Luật Bình đẳng giới: Hành trình thay đổi nhận thức của đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em gái - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ hy vọng phụ nữ và trẻ em gái sẽ ngày càng bớt thiệt thòi.

Trong lĩnh vực y tế, về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2009 – 2010, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đạt hơn 1%/năm. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2013, mỗi năm đã giảm còn khoảng 0,6%; đến năm 2016, tốc độ gia tăng đạt 0,2%. Các kết quả về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2007 - 2016 đều có sự chuyển biến rõ rệt, như: Tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế chăm sóc khi sinh đạt 98,2% (tăng 3,9%), tỷ lệ bà mẹ được khám sau sinh tại nhà đạt 94,1% (tăng 6,6%).

Trong gia đình, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như: Luật Đất đai 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Trẻ em năm 2016...

Bên cạnh các thành tựu đạt được sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế bất cập. Các quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành. Chưa có sự thống nhất giữa Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành. Việc thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới chưa được đầu tư thỏa đáng. Thiếu quy trình thống nhất hướng dẫn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới thiếu về số lượng, thậm chí tại một số địa phương không bố trí cán bộ chuyên trách bình đẳng giới. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới dù đã được bố trí nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất khiêm tốn. Việc thực hiện Luật Bình đẳng giới ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều, chưa có nhiều mô hình, cách thức triển khai đặc thù, hiệu quả.

Trước thực trạng đó, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới đề ra phương hướng trong thời gian tới, thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động, chương trình, dự án, đề án của ngành, đơn vị, địa phương. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống chính sách về bình đẳng giới và triển khai cung cấp các dịch vụ công về bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc.

Cần sự kiên trì, bền bỉ của các cơ quan làm công tác bình đẳng giới

Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, từ khi ra đời cho đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ để trên cơ sở đó từng bước đưa vấn đề giới vào cuộc sống. Cũng từ đó các cấp ủy, bộ, ngành, chính quyền địa phương từng bước thực thi trách nhiệm của mình.

"Nhìn lại 10 năm, chúng ta chưa thỏa mãn nhưng khách quan mà nói chúng ta đạt được nhiều kết quả rất đáng khen ngợi. Trong báo cáo tổng kết cũng đã nêu bật kết quả đạt được và đặc biệt các ý kiến đánh giá của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "10 năm qua, chúng ta thay đổi nhận thức rất nhiều, trong đó có một thay đổi rất quan trọng đó là thay đổi nhận thức của người đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sự thay đổi này đã hiện hữu trong từng gia đình. Đó là một sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân cũng như toàn cơ quan chuyên môn trong công tác bình đẳng giới".

"Nhớ vào năm 1999, tôi đi nghiên cứu về bình đẳng giới ở Thụy Điển. Lúc đó, ở Thụy Điển, người ta đã có chính sách vợ sinh con thì chồng được nghỉ làm để chăm con và nếu đi làm thì cũng không được hưởng lương. Khi đó, tôi đã mơ ước điều này sẽ được thực hiện tại Việt Nam. Và cho đến khi Luật Bình đẳng giới được ban hành, chúng ta đã thực hiện được. Điều đó cho thấy, chúng ta đã có tiến bộ rất nhiều trong lĩnh vực bình đẳng giới" – Bộ trưởng kể.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để có được những kết quả đó là sự đóng góp của mọi người, trong đó phải có sự đóng góp kiên trì, bền bỉ của các cơ quan chuyên trách làm công tác bình đẳng giới. "Bởi nhận thức không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được, nhất là đối với một nước nho giáo rất nặng nề, phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn rất nặng nề như Việt Nam" – Bộ trưởng nói.

Trước một số tồn tại và những chỉ tiêu khó đạt được, Bộ trưởng yêu cầu, sau hội nghị tổng kết này, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cần rà soát lại các chỉ tiêu. "Liên quan đến chỉ tiêu của bộ nào, ngành nào thì mời ngành đó làm việc và có giải pháp thúc đẩy. Không để tình trạng khái niệm chung ai cũng có thành tích nhưng lỗi thì không ai nhận" – Bộ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó, phải tập trung cao độ cho dịp Đại hội Đảng và chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp. Đây là thời cơ để thúc đẩy nhận thức, trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là quyền tham chính. Thời gian tới, công tác này phải quyết liệt, việc xây dựng kế hoạch triển khai rõ ràng.

Theo Bộ trưởng, vừa rồi nhiều Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam hoạt động rất tốt như: Công an, Quân đội và một số tập đoàn, địa phương, nhiều mô hình tốt nên được tổng kết lại. Tập trung nhân rộng một số mô hình như: Nhà tạm lánh, mô hình một điểm dừng…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng cam kết thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn, chương trình sẽ đạt được những kết quả rõ ràng nhất, hiệu quả nhất để bình đẳng giới ngày càng hiện hữu trong cuộc sống. Phụ nữ, trẻ em gái bớt đi những thiệt thòi, tiến bộ nhanh hơn.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội" cho các đồng chí lãnh đạo Hội và lãnh đạo các Ban, đơn vị thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.