Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nghệ An cần xử lý dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng trước năm 2020”

(Dân sinh) - “Nghệ An có tới 72.000 người có công với cách mạng và thân nhân. Điều này đòi hỏi việc thực hiện chế độ chính sách rất cẩn trọng. Với những hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, tỉnh cần xử lý dứt điểm trước năm 2020 theo hướng có tình, có lý…” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Chiều 19/11 tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Đồng chủ trì có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội năm 2019 và kế hoạch các năm tiếp theo...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nghệ An cần xử lý dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng trước năm 2020” - Ảnh 1.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ thông tin tại buổi làm việc.

Báo cáo về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội năm 2019 của tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ thông tin: Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 33.645 lao động, trong đó XKLĐ 11.059 người, ước cả năm giải quyết việc làm cho 37.580 lao động, Xuất khẩu lao động 13.514 người. Công tác  tuyển sinh đào tạo 59.925 lượt người (ước cả năm đào tạo 70.069 lượt người, gồm: cao đẳng 5.070 người, trung cấp 9.028 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 55.971 lượt người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (đào tạo nghề 58,3%).

Nghệ An đã thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách người có công với cách mạng; quản lý chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 72.868 đối tượng người có công, kinh phí hơn 126 tỷ đồng/tháng đảm bảo an toàn; thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua dịch vụ bưu điện tại 05 huyện đạt kết quả tốt. Tập trung xử lý, giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, nhất là hồ sơ về cấp và cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công, hồ sơ liên quan thanh niên xung phong.

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Ước đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,0% (giảm 1,54%), đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thực hiện đảm bảo trợ cấp thường xuyên cho 133.224 đối tượng tại cộng đồng; thực hiện kịp thời công tác cứu trợ đột xuất.

Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống các tệ nạn xã hội được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị - xã hội vào cuộc, phối hợp thực hiện tốt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nghệ An cần xử lý dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng trước năm 2020” - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thông tin: Nghệ An là địa phương luôn quan tâm công tác giáo dục nghề nghiệp, làm tốt công tác phân luồng đào tạo nghề; cũng như điển hình về công tác Xuất khẩu lo động, xóa đói giảm nghèo. Là tỉnh có số hộ nghèo lớn, bởi 1/3 dân số sống ở các huyện miền núi. Song công tác giảm nghèo luôn được tỉnh quan tâm, tính đến hết năm nay dự kiến giảm 2%, đạt kế hoạch đề ra. Hiện tỉnh còn khoảng 10.000 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn, do đó Nghệ An đã ban hành chính sách hỗ trợ đặc biệt như xây nhà tình nghĩa từ nguồn xã hội hóa cho khoảng 12.000 hộ trong số này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nghệ An cần xử lý dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng trước năm 2020” - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Người Có công Đào Ngọc Lợi chia sẻ thông tin.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác giải quyết việc làm của tỉnh Nghệ An. Theo đó, trong 11 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 33.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động đạt hơn 11.000 người, ước cả năm giải quyết việc làm cho 37.580 lao động.

Dự kiến cả nhiệm kỳ Đại hội 2016 - 2020, tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 189.000 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 37.800 người, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra là từ 35.000 - 37.000 người/năm.

"Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai tốt công tác giáo dục nghề nghiệp với kết quả cao. Thống kê của tỉnh cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2019 đã tuyển sinh đào tạo 59.925 lượt người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

Về chính sách người có công, tỉnh đã quản lý chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 72.000 đối tượng người có công, thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua dịch vụ Bưu điện tại 5 huyện đạt kết quả tốt.

BỘ TRƯỞNG ĐÀO NGỌC DUNG

Về đào tạo, Nghệ An cần phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo nhân lực lớn của khu vực. Nghệ An cần đi lên từ nhân lực với 3 điểm nhấn: Kỹ năng nghề nghiệp, việc làm thoả đáng và an sinh vững bền cho người dân

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Trong cả nước, Nghệ An là tỉnh có đông đối tượng người có công và hồ sơ đề nghị công nhận người có công còn tồn đọng. Nếu Nghệ An hoàn thành xử lý hồ sơ tồn đọng thì vấn đề hồ sơ tồn đọng của cả nước cũng gần như đã xong…".

Với những trường hợp hồ sơ đề nghị xác nhận người có công không hợp pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu xem xét theo hướng có tình có lý.

"Nhiều trường hợp người thương binh thật nhưng vì các lý do khác nhau, họ đã làm hồ sơ không chính xác. Ngoài ra cũng có những trường hợp làm giả hoàn toàn. Do vậy, Cục Người có công của Bộ và tỉnh cần xem xét, phân loại và trả lời từng trường hợp và sau đó không xem xét lại" - Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nghệ An cần xử lý dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng trước năm 2020” - Ảnh 5.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Nghệ An cần quan tâm đến 2 Chương trình mục tiêu quốc gia quyết liệt hơn.

Về tình hình xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đây chỉ là nhiệm vụ tạo việc làm với mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên rất cần chú ý bởi đem lại giá trị kinh tế cho người lao động trong tỉnh.

"Nguồn việc làm tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 30% lao động trong trỉnh. Đây là công việc có tính ổn định và khó tạo đột biến về thu nhập. Do đó tỉnh cần chú trọng công tác xuất khẩu lao động, dù chỉ là định hướng ban đầu nhưng cần thiết. Cách đây 2 tháng, thống kê sơ bộ của hệ thống ngân hàng cho thấy, người lao động của tỉnh Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài qua con đường hợp pháp đã gửi về gia đình khoảng 280 triệu USD/năm" - Bộ trưởng cho biết.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An cần phải động viên các gia đình kêu gọi con em cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Đặc biệt là lao động ở những huyện trong danh sách tạm dừng đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Bộ trưởng cũng đề nghị quản lý việc di cư lao động và xử lý nghiêm các sự việc đưa người bất hợp pháp.

Về công tác giảm nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, tỉnh cần có chương trình hành động xoá toàn bộ tình trạng hộ nghèo có người thuộc diện có công với cách mạng trong 2019 thông qua việc thành lập quỹ, nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, đưa nội dung thành chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của các huyện trong năm 2019. Cần quan tâm đến 2 Chương trình mục tiêu quốc gia quyết liệt hơn trong đó đặc biệt chú trọng đến sinh kế cho người nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cũng như chương trình giảm nghèo cho khu vực phía Tây. Nghệ An cần phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khu vực; phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển nguồn nhân lực; trong đó chú ý đến kỹ năng nghề, tạo việc làm và an sinh xã hội.

Phấn đấu trong trong năm 2020 căn bản không còn hồ sơ ngươi có công tồn đọng. Đối với hồ sơ thanh niên xung phong, đề nghị tổ công tác và Cục Người có công phân loại và trả lời dứt điểm, công khai với nhân dân. Lãnh đạo Bộ cũng ủng hộ về mặt chủ trương những đề xuất của Nghệ An, trong đó cần tập trung rà soát, đầu tư có trọng điểm, có hiệu quả Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng Người có công, Trung tâm cai nghiện ma túy, cũng như mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào.