Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Các đối tượng thường lợi dụng sự gần gũi, thân quen để xâm hại trẻ em

(Dân sinh) - Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 8.091 trẻ em bị xâm hại; trong đó có 1.059 trai và 7.032 gái. Tình trạng trẻ em bị xâm hại đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. 63/63 tỉnh, thành đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em.

Qua phân tích số liệu của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trẻ em bị bạo lực trong gia đình chiếm 65,88%; trong trường học chiếm 19,09% (trong đó bị giáo viên bạo lực chiếm 14,89%; bị bạn bè bạo lực chiếm 4,2%); trong cộng đồng chiếm 15,03%.

Các đối tượng thường lợi dụng sự gần gũi, thân quen để xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ em.

Trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm xâm hại trẻ em là người quen, hàng xóm chiếm 59,4%; người thân trong gia đình chiếm 21,3%; giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm 6,15%; các đối tượng khác chiếm 13,15%. Đối tượng xâm hại trẻ em thường là người quen của trẻ em lợi dụng sự gần gũi với gia đình và trẻ em, tạo sự tin tưởng, gia đình mất cảnh giác; những đối tượng lạ mặt lợi dụng hoàn cảnh như đường vắng, trẻ em ở nhà một mình, sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma túy…), việc tiếp cận các phim ảnh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy; lợi dụng chức trách, quyền hạn của mình, sự tin tưởng để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Xâm hại trẻ em không chỉ gây ra nhiều hậu quả trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ em. Ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển não bộ của trẻ em, sức khỏe thể chất và tâm thần, nguy cơ bỏ học, kết quả học tập kém, quan hệ tình dục sớm, mang thai và sinh con khi chưa đến tuổi trưởng thành, các vấn đề về hành vi, kể cả các hành vi bạo lực và vi phạm pháp luật.

Xâm hại trẻ em cũng gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế. Một nghiên cứu của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết, tổng thiệt hại do xâm hại trẻ em gây ra, đặc biệt do các vấn đề sức khỏe và các hành vi nguy cơ cao về sức khỏe, là 206 tỷ USD, xấp xỉ 2% tổng GDP của khu vực này. Hiện  chưa có thống kê, thu thập thông tin về số liệu trẻ em bị xâm hại dẫn tới tử vong; bị nhiễm HIV, bệnh hiểm nghèo; bị thương tật; bị rối loạn tâm thần; có thai; phải bỏ học. Hậu quả của các hành vi xâm hại trẻ em ảnh hưởng đến trật tự, an ninh của xã hội, sự tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức của xã hội, gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin, lo sợ trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em do trong thời gian dài, các thiết chế tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em chưa thực sự được các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và cộng đồng xã hội quan tâm dẫn đến các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng. Tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác trẻ em chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm chỉ đạo, đầu tư, thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn. Ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm; hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý. Vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em mà bao che, tự tìm cách xử lý vụ việc hoặc xử lý nội bộ.

Bên cạnh đó, các loại thông tin, ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp, đặc biệt trên môi trường mạng trong thời gian dài không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời và không được xử lý triệt để. Gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em, chậm được bổ sung kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thiếu các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức và thiếu gương mẫu của một bộ phận người lớn, cha mẹ, các thành viên trong gia đình dẫn đến gia tăng hành vi, tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em.

Khi pháp luật về bảo vệ trẻ em có quy định cụ thể về trách nhiệm thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em và thông tin tố cáo được bảo mật, người tố cáo được bảo vệ; khi có các dịch vụ công (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội...) thực hiện trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, xác minh thông tin về xâm hại trẻ em được củng cố và truyền thông rộng rãi; khi nhận thức của xã hội về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em được nâng cao và các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền xử lý nghiêm, kịp thời thì các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em được thông tin, báo cáo có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.