Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Các nước trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ về lao động - việc làm để ứng phó với đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại chưa từng có tiền lệ về lao động và việc làm ở phạm vi toàn cầu. Các nước gấp rút ban hành và thực hiện những biện pháp khẩn cấp để ứng phó với đại dịch nhằm giảm thiểu thiệt hại và chuẩn bị phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch.

Có thể phân chia các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 về lao động – việc làm của các quốc gia thành 3 trụ cột: Hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động và tăng cường độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động - Việc làm đặc biệt G20, Argentina cho biết, đã dành ra 3% GDP để thực hiện các biện pháp hỗ trợ ở các cấp. Trong lĩnh vực lao động việc làm, nước này tiến hành tăng trợ cấp cho người có thu nhập thấp và cho cha mẹ có con nhỏ. Người lao động tự làm chủ được trợ cấp vay lãi suất 0% khoản thu nhập đáng lẽ được hưởng trong vòng 3 tháng. Chương trình Hỗ trợ Khẩn cấp Việc làm và Sản xuất cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng được hoãn nộp bảo hiểm xã hội và một số trường hợp được giảm phí đóng; hỗ trợ doanh nghiệp từ 1 - 2 tháng lương tối thiểu để trả lương cho người lao động.

Các nước trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ về lao động - việc làm để ứng phó với đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Australia thông qua Chương trình Duy trì Việc làm trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động để chi trả cho người lao động 1.500 AUD/2 tuần trong tối đa 6 tháng, áp dụng với doanh nghiệp giảm 30% doanh thu và 50% doanh thu đối với doanh nghiệp có doanh thu hơn 1 tỷ AUD so với năm trước đó. Chương trình này trị giá 14,1 tỷ AUD. Đối với người lao động, nếu có đóng góp vào quỹ lương hưu có thể rút tối đa 10.000 AUD. Australia còn hỗ trợ người học nghề bằng cách trợ cấp 50% lương/người tối đa là 21.000 AUD.

Đối với đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội khác, Australia hỗ trợ thu nhập cho những đối tượng đủ điều kiện ở mức $550/2 tuần. Australia cũng triển khai một gói hỗ trợ khác nhằm nâng cao kỹ năng và phục hồi sau dịch, bao gồm tài trợ cho các khóa học ngắn hạn và hỗ trợ tài chính cho các trường đại học và cơ sở đào tạo nghề.

Tại Bulgaria, Gói trợ cấp lương trị giá 770 triệu Euro đã được thông qua. Trong đó, người sử dụng lao động được trợ cấp 60% tiền lương đóng bảo hiểm của người lao động trong tối đa 3 tháng, áp dụng với doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần, cam kết giữ chân người lao động ít nhất bằng khoảng thời gian được trợ cấp. Đối với doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo lệnh của cơ quan nhà nước thì chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực kinh tế như xây dựng, sản xuất, bán lẻ, vận tải, thực phẩm, khách sạn, văn hóa, thể thao). Đối với doanh nghiệp tự quyết định tạm dừng hoạt động thì chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu bán hàng giảm từ 20% trở lên. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả đủ lương và đóng đủ quỹ an sinh xã hội cho người lao động.

Ở Canada, thông qua Gói hỗ trợ tiền lương khẩn cấp, những doanh nghiệp bị giảm ít nhất 30% doanh thu trong tháng 3, 4, 5/2020 so với cùng kỳ năm 2019 được hỗ trợ đến 75% lương của người lao động. Gói này giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động và tuyển dụng lại những người lao động bị cho thôi việc.

Đối với người lao động, Quỹ Hỗ trợ Khẩn cấp chi trả 2.000 CAD/tháng trong vòng tối đa 4 tháng cho những người lao động bị mất thu nhập vì Covid-19. Người lao động làm việc ở nơi thuộc đối tượng quy định liên bang (cơ quan nhà nước, Quốc hội, hàng không, ngân hàng, dịch vụ cảng, vận tải biển, đường sắt, vận tải đường bộ, viễn thông và một số ngành khác) được nghỉ tối đa 16 tuần không lương và được đảm bảo việc làm nếu không thể làm việc được do Covid-19.

Các nước trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ về lao động - việc làm để ứng phó với đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Tại Mỹ, người lao động có thể được nghỉ phép có lương khi bị bệnh COVID-19.

Trung Quốc có chính sách miễn tối đa 5 tháng bảo hiểm xã hội cho DN vừa và nhỏ. Đối với doanh nghiệp lớn, giảm ½ phí bảo hiểm xã hội, riêng tỉnh Hồ Bắc miễn không quá 5 tháng. Đối với tất cả các doanh nghiệp, có thể đề nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội không quá 6 tháng, không tính lãi đóng chậm. Ngoài ra, Công đoàn Bộ Nguồn Nhân lực và An sinh xã hội, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc và Công đoàn ngành Công Thương Trung Quốc đã cùng ký văn bản tuyên bố hoàn lại kinh phí công đoàn (2% tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp) cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng như hoàn lại phí thành viên hiệp hội doanh nghiệp cho những doanh nghiệp đủ điều kiện gặp khó khăn vì dịch.

Người lao động tự làm chủ tại Cộng hòa Séc có thể đề nghị miễn đóng bảo hiểm y tế trong vòng 6 tháng, được trợ cấp CZK 25.000 (~1.085 USD) và được hỗ trợ CZK 424/ngày (~USD 1,80) nếu phải ở nhà chăm sóc con nhỏ 6-13 tuổi do các bé không thể đến trường. Chương trình phòng chống virus được thông qua nhằm duy trì việc làm có nội dung chủ yếu sau: người lao động nếu không thể làm việc tại nhà đề nghị đi cách ly được nhận 60% lương. Người lao động được nhận đủ lương nếu doanh nghiệp phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ, phải đóng cửa vì không đủ người lao động (nếu vắng trên 30% người lao động). Người lao động được nhận 80% lương nếu doanh nghiệp phải đóng cửa vì thiếu nguyên phụ liệu. Người sử dụng lao động có thể được hỗ trợ chi trả lương nếu tuân thủ Bộ luật Lao động. Doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vì dịch được hoãn chi trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh.

Tại Đan Mạch, ba bên đã đạt được một thỏa thuận về trợ cấp lương. Đối với các công ty bị sụt giảm nhu cầu đáng kể, người lao động có thể ở nhà và chính phủ chi trả 75% tiền lương (tối đa 30.000 DKK, khoảng 4.000 EUR), nếu công ty hứa sẽ không sa thải bất kỳ công nhân nào vì lý do kinh tế. Các công ty cũng sẽ phải trả 25% còn lại để đảm bảo người lao động được chi trả đầy đủ. Các công ty có doanh thu giảm hơn 30% có thể nhận hỗ trợ tiền mặt để trang trải một phần chi phí cố định (75%, tối đa 3.100 EUR và 100% đối với các công ty buộc phải đóng cửa tạm thời do lệnh phong tỏa). Chương trình này kéo dài 3 tháng.

Đối với người làm việc theo giờ, tỷ lệ này là 90% (tối đa 3500 EUR). Người lao động đóng góp bằng cách thực hiện nghỉ phép năm ngày bắt buộc. Người lao động tự làm chủ và người làm việc tự do bị sụt giảm doanh thu hơn 30% có thể được nhận hỗ trợ tiền mặt lên tới 75% khoản lỗ (tối đa 3.100 EUR/tháng). Chương trình này kéo dài ba tháng. Cha mẹ có thể nghỉ tối đa 52 tuần hưởng lương để chăm sóc cho con dưới 18 tuổi bị ốm.

Ở Ấn Độ, một gói cứu trợ trị giá 1,7 nghìn tỷ rupee đã được công bố, mục đích là để tiếp cận mọi người lao động và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Gói này bao gồm: Hỗ trợ cho những người có mức lương thấp thông qua việc Chính phủ đứng ra đóng quỹ tiết kiệm thay mặt cho cả người lao động và người sử dụng lao động; tăng lương theo Đề án Quốc gia về đảm bảo việc làm khu vực nông thôn; cung cấp thêm thực phẩm miễn phí cho 800 triệu người nghèo trong ba tháng thông qua hệ thống phân phối công cộng; chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của khoảng 204 triệu chủ tài khoản là nữ trong 3 tháng.

Italy công bố gói hỗ trợ trị giá 25 tỷ Euro trong đó 10,3 tỷ Euro nhằm mục đích tăng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ người lao động tự làm chủ mức 600 Euro trong tháng 3. Cha mẹ được chi trả 600 Euro để chăm sóc con nhỏ hoặc có thể đề nghị tăng thêm thời gian nghỉ chăm sóc con thêm 12 ngày. 3,2 tỷ Euro được dành cho việc tuyển dụng thêm 1.000 bác sỹ. Italy còn thưởng cho người lao động tiếp tục làm việc trong đại dịch 100 Euro/người.

Nhật Bản dành ra 117 nghìn tỷ yên (tương đương 20% GDP) để thực hiện các biện pháp kinh tế khẩn cấp ứng phó với đại dịch. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện những biện pháp như: Tăng trợ cấp giữ chân người lao động lên mức 90% là mức chưa từng có tiền lệ, mở rộng phạm vi bao phủ của chính sách này đến cả những người lao động không thường xuyên. Đồng thời, hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những người tự làm chủ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; hỗ trợ tiền mặt cho toàn bộ người dân để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tạm đóng cửa nơi làm việc.

Ngoài ra, Nhật Bản ưu tiên bảo vệ người lao động không bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc và không bị phân biệt đối xử thông qua bảo đảm điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho những người có nguy cơ cao, phụ nữ mang thai và nhân viên y tế.

Tại Singapore, chính phủ đã dành ra hơn 10% GDP (trong đó có hơn 1/3 được dành cho lĩnh vực lao động, việc làm) cho các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 với mục tiêu bảo vệ việc làm, hỗ trợ người lao động, bảo vệ sinh kế cho người dân. Chương trình Hỗ trợ việc làm hiện đang chi trả cho các doanh nghiệp 75% quỹ lương, sau đó mức này sẽ giảm xuống còn 25%. Đối với người lao động, Singapore hỗ trợ người có thu nhập thấp mức 2.100 USD; phần lớn người tự làm chủ được hỗ trợ thu nhập mức 6.300 USD/người. Đối với người lao động nước ngoài, nước này hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp sử dụng họ và hỗ trợ cho những người lao động này mức 1.800 USD/người.

Ở Mỹ, nước này hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho cá nhân mức 1.200 USD/người và được cộng thêm 500 USD/trẻ em phụ thuộc. Mỹ cũng mở rộng đối tượng nhận trợ cấp thất nghiệp cho người tự làm chủ và những người lao động phi truyền thống như tài xế Uber.

Mỹ khuyến khích doanh nghiệp giữ chân người lao động bằng cách cho doanh nghiệp vay để trang trải các chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện nước và tiền lương. Phần lớn các khoản vay sẽ được miễn nếu doanh nghiệp giữ chân được người lao động.

Đối với người lao động, hiện họ có thể được nghỉ phép có lương khi bị bệnh trong khi trước đây ở khu vực tư nhân, người sử dụng lao động không buộc phải có chế độ nghỉ phép này. Chính sách này áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ sẽ hoàn trả cho các doanh nghiệp khoản chi phí này.