Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cách chiều vợ khi làm việc ở nhà do dịch Covid-19

Với kinh nghiệm làm chồng đã trên 5 năm, được vợ chấm điểm 9,5 ở bộ môn chiều vợ, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm chung sống hoà bình với vợ trong thời gian làm việc ở nhà do dịch Covid-19.

Bí quyết để xung đột chỉ dừng lại ở mức "đám cháy nhỏ" là sự bình tĩnh của một trong hai người, nếu được cả hai thì càng tốt. Điều đó như một xô nước mát dập tắt đám cháy.

Ở nhà tôi, vợ là người nóng tính hơn nên tôi tự chọn lấy cho mình nhiệm vụ làm thinh lúc cãi nhau. Im lặng không phải là nhẫn nhục chịu đựng, chỉ là dấu hiệu "anh thấy đủ rồi, chúng ta nên dừng lại để suy nghĩ thấu đáo hơn".

Cách chiều vợ khi làm việc ở nhà do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước thái độ đó của tôi, thời gian đầu, vợ tất nhiên có bực mình vì một người nói mà không có người đáp. Nhưng về sau, cô ấy cũng nhận ra sự im lặng là cần thiết để cả hai lấy lại bình tĩnh.

Tuy nhiên, tôi không để sự im lặng này kéo dài quá 1 ngày. Vợ tôi cũng là người biết điều nên chỉ cần 1 khoảng lặng ngắn như vậy, cô ấy sẽ mở lời một cách đầy thiện chí. Thế là chúng tôi bắt đầu nói chuyện để nhận sai, đúng chứ không gây gổ như lúc đang nổi nóng nữa.

Nhiều ông chồng cứ than phiền sao ở nhà vợ lúc nào cũng nhăn mày cau mặt. Có lẽ vì các anh chưa biết nịnh vợ. Phụ nữ tuy dễ giận dỗi nhưng thực ra cũng không quá khó để làm họ vui.

Không cần những lời khen cầu kỳ, bay bổng, chỉ cần những câu đơn giản như "em mặc bộ đồ này trông hợp lắm" hay "nghe em họp online với team thấy em chuyên nghiệp phết", đảm bảo vợ bạn dù khó tính đến đâu cũng phải tủm tỉm cười vì không những được chồng nịnh mà còn thấy rõ sự quan tâm của chồng.

Một trong những tuyệt chiêu không bao giờ lỗi thời là chia sẻ việc nhà. Nếu bạn để vợ một mình cân tất nhà cửa, bếp núc, con cái thì cô ấy cáu kỉnh là đúng rồi. Tôi cũng vào bếp và chăm con nhỏ thường xuyên nên hiểu sự bực bội ấy không phải vô cớ.

Những công việc trông có vẻ nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi kiên nhẫn và rất dễ gây ức chế.

Nhà bếp đầy mùi dầu mỡ và nóng nực, bọn trẻ con không chịu ngồi yên, đống chén bát kỳ cọ hết một lượt sẽ gây đau lưng. Những công việc ấy nếu được san sẻ sẽ giảm bớt căng thẳng cho gia đình.

Và cuối cùng, hãy trân trọng khoảng thời gian thấy mặt nhau 24/7, nói yêu nhau và thể hiện tình yêu những khi có thể. Chẳng phải hồi mới yêu ta đã ước mong được thế lắm sao? Vợ chồng tôi từng có những lúc đi công tác xa nhà cả mấy tháng liền nên hiểu rõ giá trị của sự gần gũi hiếm hoi này. Chúc mọi người bình yên và vui vẻ vượt qua kỳ “nghỉ Tết” dài hơi.