Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Cái gốc của Luật là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động”

(Dân sinh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh tại Hội thảo Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vừa được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây. Mặt khác, sửa đổi nhằm điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

“Cái gốc của Luật là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động”  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Dự thảo Luật tập trung sửa đổi 6 nhóm chính sách

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tập trung vào 6 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội gồm: Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

"Ngoài các nhóm nội dung nêu trên, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu lao động trong công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện tốt trong thời gian qua", Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

“Cái gốc của Luật là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động”  - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời, nhấn mạnh, xây dựng Luật theo hướng đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước; tương thích với chuẩn mực quốc tế về bảo vệ người lao động di trú, các thỏa thuận hợp tác lao động với các quốc gia; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng phân cấp và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam tại nước ngoài và người lao động sau khi về nước. Cần thiết phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ thông tin thị trường lao động vừa tìm kiếm việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước, vừa tạo nguồn lao động có chất lượng cho các đơn vị sử dụng lao động trong nước. Nhiều đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn quyền hạn của UBND các cấp trong việc thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và địa phương trong việc bồi dưỡng kiến thức cho người lao động.

Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng, vấn đề về quyền tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa của người lao động cũng cần được đưa vào trong Luật; Bổ sung các hành vi cấm. Đồng thời, quy định về  phí và lệ phí cần nghiên cứu để làm sao có lợi nhất cho người lao động, cơ chế, lộ trình thế nào cũng cần tính toán kỹ.  

“Cái gốc của Luật là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động”  - Ảnh 3.

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nêu một số khuyến nghị cho Dự thảo Luật

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tăng cường giám sát và quản lý công tác đưa lao động ra nước ngoài, tăng cường các biện pháp chế tài xử phạt vi phạm quyền và lợi ích của người lao động và tạo ra môi trường hấp dẫn và thuận lợi cho các đơn vị đưa lao động ra nước ngoài và người lao động hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Giám đốc Văn phòng ILO cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Ban soạn thảo Luật một số vấn đề về đào tạo kỹ năng cho người lao động trước khi đi, rà soát phí và lệ phí phù hợp; Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động tại các nước tiếp nhận, bao gồm việc làm rõ nguồn lực hỗ trợ; thực hiện dịch vụ hỗ trợ toàn diện; tăng cường trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp tuyển chọn; và làm rõ vai trò của các Ban Quản lý lao động…

“Cái gốc của Luật là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động”  - Ảnh 4.

Đại diện doanh nghiệp XKLĐ đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật

Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Nguyễn Lương Trào đóng góp ý kiến về một số nội dung liên quan đến điều kiện, thủ tục và chính sách đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến việc gia hạn và cấp lại giấy phép hoạt động và các quy định liên quan đến phí dịch vụ, phí môi giới… Đồng thời nhấn mạnh, Luật cần tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc tham gia thị trường xuất khẩu lao động.

"Cái gốc của Luật là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động phù hợp với hiến pháp và các công ước quốc tế nên các quy định phải hết sức chặt chẽ", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh và khẳng định Ủy ban sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của đại biểu và sẽ tổng hợp, trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng nêu ra một số vấn đề về phạm vi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật để các địa phương, đơn vị tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý, về các vấn đề như: Cấp phép cho doanh nghiệp, hợp đồng cung ứng lao động, vốn pháp định, việc ký quỹ; vấn đề bảo lãnh, thế chấp; danh mục công việc và khu vực người lao động không được đi làm; về vai trò, trách nhiệm của các ngành, địa phương…