Quay lại Dân trí
Dân Sinh

'Cán bộ nhân đạo ở Hà Nội ăn chặn hàng từ thiện là bộc phát'

Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho rằng, các cán bộ trung tâm này "tuồn" hàng từ thiện ra ngoài bán là sự việc bộc phát, không đẹp.

Liên quan vụ việc một số nhân viên của Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (Thuỵ An, Ba Vì) "tuồn" hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài bán, theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, ngày 8/9, Trung tâm này tiếp 3 đoàn đến tặng quà từ thiện cho đối tượng đang được nuôi dưỡng tại đây.

Lãnh đạo đơn vị đã phân công một số cán bộ phòng Tổ chức hành chính dẫn đoàn đi phát quà trực tiếp cho các đối tượng và các cháu tại nơi ở.

'Cán bộ nhân đạo ở Hà Nội ăn chặn hàng từ thiện là bộc phát' - Ảnh 1.

Nhân viên trung tâm nhân đạo vượt rào đưa hàng từ thiện ra ngoài. Ảnh: Gia đình Việt Nam

Tuy nhiên, sau khi các đoàn từ thiện ra về, bà Đào Thị Phương và Nguyễn Thị Liên thuộc phòng Phục hồi chức năng đã mang một số hàng, quà gồm sữa, bim bim, bánh trung thu, kẹo ra khỏi trung tâm.

Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, Trung tâm đã tổ chức họp hội đồng kỷ luật. Xét tính chất sự việc và mức độ vi phạm của các cá nhân liên quan, đơn vị đã quyết định hình thức kỷ luật đối với 3 cá nhân.

Cụ thể, bà Phương, bà Liên bị kỷ luật cảnh cáo; ông Trịnh Văn Hựu - tổ trưởng tổ bảo vệ, là người trong ca trực để xảy ra các hành vi vi phạm trên bị kỷ luật khiển trách.

'Cán bộ nhân đạo ở Hà Nội ăn chặn hàng từ thiện là bộc phát' - Ảnh 2.

Đường đi vào Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Ảnh: Hương Quỳnh

Từ báo cáo giải trình của Trung tâm và nội dung báo chí phản ánh cho thấy sự việc nêu trên là đúng. Tuy nhiên, qua hình ảnh cho thấy ngoài các nhân viên Đào Thị Phương và Nguyễn Thị Liên còn có một số người khác hỗ trợ việc đưa hàng qua hàng rào và vận chuyển ra khỏi khu vực trung tâm.

Để làm rõ nội dung sự việc, Sở LĐTB&XH đã yêu cầu Giám đốc Trung tâm kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan, xác định rõ danh tính của các trường hợp tham gia vận chuyển hàng, quà cùng bà Phương và Liên.

Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho rằng đây là sự việc bộc phát, do ý thức trách nhiệm của cán bộ và bảo vệ chưa cao.

Hành vi của cán bộ tuồn hàng ra rất không đẹp, phản cảm, điều đó rất đáng tiếc. Họ lợi dụng điểm yếu nhất, khoảng trống; lúc chập tối cán bộ xao nhãng, nhân viên bảo vệ tinh thần trách nhiệm không cao thì rất dễ xảy ra”, ông Hồng nói.

'Cán bộ nhân đạo ở Hà Nội ăn chặn hàng từ thiện là bộc phát' - Ảnh 3.

Ông Đỗ Đức Hồng - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội

Ông thông tin, qua rà soát thì có 8 người liên quan hành vi "tuồn" hàng qua tường rào, còn những người đi xe mang hàng đi cũng đã tìm ra và được triệu tập lên. Những người có hành vi "tuồn" hàng đã làm bản kiểm điểm, Trung tâm sẽ nghiên cứu để áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp.

Theo ông Hồng, bà Phương và Liên làm việc tại đơn vị đã khoảng 20 năm, có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Về những đồ được "tuồn" ra ngoài, theo giải trình, có người thì khách cho, có người thì các cháu cho, có người được đối tượng người già không ăn hết thì cho.

“Toàn bộ hành vi đó khi không được báo cáo Trung tâm, tuồn qua hàng rào như thế là hoàn toàn vi phạm quy định của ngành và đạo đức nghề nghiệp. Việc đó là sai phạm”, ông Hồng nhấn mạnh.

Đây không chỉ là sự việc xảy ra lần đầu, theo ông Hồng, đầu năm đã có một trường hợp cán bộ vi phạm, mua mì tôm của đối tượng nhưng chưa kịp mang ra khỏi Trung tâm. Đơn vị đã lập biên bản và thu hồi 2 thùng mì tôm đồng thời xử lý kỷ luật, công bố trước tập thể cán bộ công nhân viên, công khai phê bình nhắc nhở, hạ thi đua.

“Chúng tôi làm quyết liệt chứ không dung túng việc này”, ông Hồng khẳng định.

'Cán bộ nhân đạo ở Hà Nội ăn chặn hàng từ thiện là bộc phát' - Ảnh 4.

Camera được lắp ở phòng trực bảo vệ. Ảnh: Hương Quỳnh

Ông Hồng nêu quan điểm, cái gì cho cán bộ thì cán bộ được sử dụng, cái gì của các cháu thì các cháu sử dụng. Nếu đồ cán bộ được khách cho, có chứng minh thì có thể đàng hoàng báo bảo vệ và được phép mang về, còn "tuồn" hàng thì rõ ràng là sai trái.

Trao đổi với phóng viên báo  Dân Sinh, về vụ việc "ăn chặn" quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội, ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, lãnh đạo Bộ đã giao Cục có văn bản đề nghị Hà Nội kiểm tra, xác minh.

Ngay sau đó, Hà Nội có văn bản giao Sở tổ chức đoàn kiểm tra, báo cáo vụ việc.

Về hành vi ăn chặn hàng từ thiện của một số cán bộ trung tâm, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cảm thấy "rất buồn khi để xảy ra tình trạng này.

"Con sâu làm rầu nồi canh", bởi một số người vì động cơ cá nhân đã làm không đúng quy định của cơ quan, tổ chức, trái với lương tâm con người. Đối với cá nhân vi phạm cần phải xử lý nghiêm theo quy định Luật Công chức".

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, thời gian qua, trung tâm rất nỗ lực chăm sóc người già, người khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa trên địa bà thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, một số cá nhân lợi dụng việc tổ chức quản lý chưa được chặt chẽ của trung tâm, lợi dụng hoạt động trợ giúp, quan tâm của các mạnh thường quân để trục lợi. Ngoài việc xử lý nghiêm hai trường hợp đã phát hiện, phải kiểm tra xem có trường hợp nào tiếp tay không? Xác minh chính xác các hành vi của cá nhân, tập thể liên quan vi phạm, làm căn cứ để xử lý. Cục Bảo trợ xã hội sẽ có văn bản yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quản lý của Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội.

"Tôi hi vọng những mạnh thường quân, tổ chức thiện nguyện vẫn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đối tượng khó khăn của trung tâm, với cách thức chặt chẽ hơn, để tránh sự trục lợi, tránh sự việc đáng tiếc như vừa rồi", ông Tô Đức cho hay.