Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ để "giải vây" cho các nhà máy lọc dầu trong nước

(Dân sinh) - Việc ngừng nhập khẩu xăng dầu giữa đại dịch COVID-19 sẽ mang lại 2 lợi ích tiềm tàng là "giải vây" cho các nhà máy lọc đầu trong nước, tiết kiệm tài chính và nguồn nhân lực phục vụ cho việc nhập khẩu.

Thực tế cho thấy trong những tháng qua, các phương tiện giao thông vận tải như đường thủy, đường bộ, đường hàng không đều giảm hoạt động; nhiều nhà máy, xí nghiệp vận hành cầm chừng, nhiều khả năng phải ngừng hoạt động trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu nếu dịch bệnh kéo dài… 

Tác động này đã làm sản lượng kinh doanh xăng dầu trong cả nước sụt giảm mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài. Điều này cũng làm cho lượng tồn kho các sản phẩm xăng dầu trong nước luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%, vượt xa mức cho phép.

Trước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm sâu, thì việc nhập khẩu xăng dầu sẽ tiếp tục tạo thêm sức ép cho sản xuất xăng dầu trong nước. Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan thì tổng lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 3 tháng đầu năm 2020 là khoảng 1,85 triệu tấn, chiếm 61,67% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước ở thời điểm hiện nay. 

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nhận định: "Vì lượng xăng dầu trong nước tồn dư nhiều, nên khi nhập khẩu về thì rất lãng phí về tài chính và nguồn lực. Nhập khẩu thời điểm COVID-19 này còn ảnh hưởng đến công tác chống dịch bệnh". Trong vài ba tháng tới - nhu cầu xăng dầu đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nền kinh tế. Do đó, nếu có nhập khẩu nên bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020 khi lượng xăng dầu trong nước vơi đi. Hiện tại, có một nghịch lý là trong khi khối lượng xăng dầu trong nước đang tồn khá lớn thì chúng ta vẫn phải bỏ ra một nguồn ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu".

Cũng đồng quan điểm, TS Ông Lê Xuân Nghĩa-Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nói: "Việc đề xuất ngưng nhập xăng dầu thời điểm này là hợp lý. Bởi, hiện nay, dịch COVID-19 chưa kết thúc, nhu cầu sử dụng dầu thô, xăng tinh chế cũng như các sản phẩm hóa dầu trong tháng tới được dự báo còn rất chậm, nên lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu tồn đọng nhiều, trong khi công suất các kho tích trữ có hạn".

Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, một số nhận định cho rằng, việc nhập khẩu xăng dầu cao là bình thường theo quy luật "nước chảy chỗ trũng", ở đâu "có lợi" hơn thì đơn vị kinh doanh sẽ nhập hàng ở đó và việc này sẽ hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Nhận định này hoàn toàn đúng trong tình hình thị trường bình thường. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng giá dầu trên toàn cầu thì điều đó không hợp lý, khi các quốc gia đều đang nỗ lực đưa ra những quyết sách để vực dậy doanh nghiệp trong nước, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, tăng bảo hộ, chống bán phá giá, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.

Chính phủ Nga, Indonesia đã ban hành lệnh ngưng nhập khẩu xăng để bảo vệ sản xuất trong nước. Còn Chính phủ Trung Quốc đã ban hành những chính sách hỗ trợ các nhà máy lọc dầu gia tăng công suất hoạt động, tiêu thụ trong nước, bổ sung xăng dầu dự trữ quốc gia, tận dụng thời điểm giá dầu giảm sốc.

Ngừng nhập khẩu xăng dầu giữa đại dịch Covid-19: Lợi cả đôi đường! - Ảnh 3.

Rất cần những quyết sách để "giải vây" cho các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như bình ổn nguồn tài chính và nhân lực khi tiếp tục nhập khẩu xăng dầu!.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước hiện đã giảm sâu và đang ở mức thấp. Trong kỳ điều hành gần đây nhất, liên bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giảm mạnh giá bán các mặt hàng xăng dầu hơn 4.100 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường hiện nay lần lượt là: Xăng E5 RON92 không cao hơn 11.956 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 12.560 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.259 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 9.141 đồng/lít; dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 9.453 đồng/kg. 

Có thể khẳng định, quyền lợi của người tiêu dùng luôn được bảo đảm. Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, gắn với an ninh năng lượng quốc gia. Việc vận hành an toàn, ổn định của hai nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn với sản lượng đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa (trong điều kiện tiêu thụ bình thường), đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp cho ngân sách hàng năm hàng ngàn tỷ đồng.

Năm 2019, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất nộp ngân sách Nhà nước hơn 9.800 tỷ đồng. Trong Quý 1/2020, mặc dù đối diện với khủng hoảng kép của giá dầu suy giảm và dịch bệnh COVID-19, tổng sản lượng sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh, lợi nhuận âm, BSR vẫn đóng góp gần 1.500 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, còn phải kể đến, NMLD Dung Quất đang vận hành với khoảng 60% dầu thô trong nước. Vì một lý do nào đó mà nhà máy dừng hoạt động thì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn cho các mỏ dầu Việt Nam. Việc duy trì khai thác dầu thô còn là vấn đề khẳng định chủ quyền an ninh biển đảo.

Hiện nay, các nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng khó khăn về dòng tiền; bể chứa đầy ắp. Tại Việt Nam, các nhà máy lọc dầu và các đơn vị kinh doanh xăng dầu cũng ngập trong khó khăn, kinh doanh sa sút, lỗ nặng. Trong khi đó giá dầu thô, giá sản phẩm giảm liên tục do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và cuộc chiến giá giữa Nga và Saudi Arabia đe dọa nhấn chìm thị trường bằng cách tăng cung ứng dầu thô. 

Để các nhà máy lọc dầu có thể tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp đang rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời, quyết liệt từ Chính phủ và các bộ ngành trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để cùng chung tay với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng kép của đại dịch COVID-19 và sụt giảm giá dầu.