Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần tạo dựng môi trường để phát triển nguồn nhân lực chất lượng

(Dân sinh) - Manpower Group vừa công bố kết quả khảo sát 24.419 nhà tuyển dụng ở 44 thị trường trên toàn cầu và 14.000 lao động ở 15 quốc gia để tìm hiểu những yếu tố nào của một tổ chức có thể thu hút, giữ chân nhân tài và điều đó thay đổi như thế nào theo khu vực địa lý, giới tính và các giai đoạn khác nhau trên nấc thang sự nghiệp của người lao động.

Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, hơn một nửa số công ty trên toàn thế giới không thể tìm được nhân tài mà họ cần - với tỉ lệ gần gấp đôi so với thập niên trước.

Trong khi ảnh hưởng của công nghệ, số hóa và tự động hóa ngày một tăng, hầu hết các nhà tuyển dụng trên toàn cầu đều có xu hướng tăng tuyển dụng hoặc duy trì số nhân viên, thay vì cắt giảm.

Cụ thể hơn, khảo sát của Manpower Group cho biết, hiện có 10 kỹ năng hàng đầu được săn đón nhất bao gồm: Lao động lành nghề (như thợ điện, thợ hàn, thợ cơ khí…), bán hàng và marketing, kỹ thuật viên (bao gồm kỹ thuật viên quản lý chất lượng hay nhân viên kỹ thuật), kỹ sư, lái xe và hậu cần, công nghệ thông tin, kế toán tài chính, sản xuất, xây dựng, chăm sóc sức khỏe. Trong đó, chăm sóc sức khỏe lần đầu tiên lọt vào danh sách Top 10 công việc/kỹ năng đang đang bị thiếu hụt trên toàn cầu, phản ánh tình trạng dân số đang già đi.

Cần tạo dựng môi trường để phát triển nguồn nhân lực chất lượng - Ảnh 1.

Đề giữ được nhân tài càn thưởng xuyên đào tạo giúp họ nâng cáo kiến thức và có nhiều chế độ ưu đã.

Trong khi đó, các vị trí quản lý văn phòng, nhân viên trực điện thoại, quản lý dự án, luật sư hay nhà nghiên cứu đã rời khỏi danh sách này.

Kết quả khảo sát cho thấy không có công thức chung nào về công việc lý tưởng cho tất cả người lao động, mỗi người đều có mong muốn riêng. Những điều người lao động quan tâm thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, vị trí địa lý và các giai đoạn khác nhau trên nấc thang sự nghiệp của họ. Thu nhập cao, sự linh hoạt và công việc thử thách vẫn là những yếu tố chính thu hút người lao động.

Đơn cử như với thế hệ Y (25-34) tuổi, thì công việc linh hoạt và mức thu nhập là yếu tố rất quan trọng đối với nữ giới và là yếu tố nên có đối với nam giới; Với thế hệ trẻ hơn, có nhiều tham vọng, khao khát kiếm tiền và phát triển sự nghiệp, thì phụ nữ xem thu nhập là ưu tiên cao gấp đôi so với việc phát triển kỹ năng trong khi nam giới xem kỹ năng và phát triển sự nghiệp quan trọng ngang với thu nhập. Với thế hệ X (35-54 tuổi), người lao động đề cao sự cân bằng - ưu tiên sự linh hoạt và họ muốn có điều kiện để chăm sóc gia đình.

Bên cạnh yếu tố tiền lương, thu nhập, đông đảo người lao động muốn sự cá nhân hóa để hiểu được thế mạnh và tiềm năng của họ. Trong bối cảnh đó, việc đánh giá đóng một vai trò quan trọng trong việc thấu hiểu tiềm năng của người lao động. Việc đánh giá giúp nhà tuyển dụng đặt người lao động vào đúng vị trí, tạo động lực và còn giúp họ hiểu rõ hơn về chính mình.

Ngoài ra, việc đánh giá còn giúp nhà tuyển dụng tìm được người thích hợp trong thị trường nhân lực đa dạng, không chỉ dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ mà còn dựa vào tiềm năng tương lai của ứng viên.

Cần tạo dựng môi trường để phát triển nguồn nhân lực chất lượng - Ảnh 2.

Để có thể tạo thách thức và cơ hội giúp nhân viên thành công, giữ chân được nhân tài, người quản lý phải hiểu được kỹ năng, tiềm năng và mong muốn của họ.

Đồng thời, sự đa dạng được xác định là thành tố quan trọng trong công việc. Người lao động muốn được học hỏi, đào tạo và được trải nghiệm trong những công việc thử thách hơn, luân chuyển vị trí làm việc, cơ hội học thêm trong công việc, dự án thú vị và linh hoạt, cơ hội làm việc với nhiều đội nhóm khác nhau, áp dụng kỹ năng mới cho công việc, có lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng.

Để có thể tạo thách thức và cơ hội giúp nhân viên thành công, giữ chân được nhân tài, người quản lý phải hiểu được kỹ năng, tiềm năng và mong muốn của họ. Với việc đánh giá, sự thấu hiểu văn hóa học hỏi, nhà quản lý có thể đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên để họ phát triển trong môi trường mang tính hỗ trợ cao. Nhà quản lý cũng cần kỹ năng huấn luyện để hướng dẫn nhân viên thông qua các buổi đối thoại sự nghiệp, từ đó thúc đẩy tốc độ phát triển sự nghiệp của nhân viên, giúp họ tiếp thu những kinh nghiệm mới và sẵn sàng cọ xát thực tế. Qua đó, không chỉ người lao động thành công trong sự nghiệp mà doanh nghiệp cũng gặt hái được kết quả như mong đợi.