Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cảnh báo lừa đảo chuyển tiền qua điện thoại

Thời gian qua, trên mạng xuất hiện thông tin về các vụ việc lừa đảo bằng cách chuyển tiền qua điện thoại, trong đó có một vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới 5,5 tỷ đồng.

Nguồn tin từ Vietnamplus cho biết, ngày 3/3, các thuê bao di động đã nhận được tin nhắn từ Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ yêu cầu chuyển tiền qua điện thoại.

Cảnh báo lừa đảo bằng hình thức chuyển tiền qua điện thoại   - Ảnh 1.

Một chủ tài khoản suýt bị lừa lấy mã OTP.

Tin nhắn từ Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, nếu gặp hiện tượng trên, người dân nên trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 069.2348560 của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để được hướng dẫn kịp thời.

Thời gian qua, trên mạng xuất hiện thông tin về các vụ việc lừa đảo bằng cách chuyển tiền qua điện thoại. Cá biệt, tháng 12/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh có vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến 5,5 tỷ đồng.

Tháng 11/2019, trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công an cũng đã thông báo tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc điện thoại mạo danh cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát…) để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhân dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có diễn biến phức tạp.

Các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng một số thủ đoạn như: Lừa khách hàng tự chuyển tiền bằng cách giả mạo cơ quan điều tra, thông báo trúng thưởng, giả mạo người thân, bạn bè, đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng rồi yêu cầu cung cấp thông tin hay qua các trang thông tin (website) lừa đảo, sử dụng các cuộc gọi điện thoại giả danh cơ quan nhà nước, sử dụng phần mềm công nghệ cao giả số điện thoại.

Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, giữ bí mật các thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch, kiểm tra website khi giao dịch trực tuyến, hạn chế sử dụng mạng internet không dây (wifi) nơi công cộng, mạng không có bảo mật.

Nếu phát hiện nghi vấn liên quan đến trục lợi, lừa gạt  cần nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ xử lý.

Liên quan đến vấn đề trên báo Tintuc.vn cho hay, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh, thời gian gần đây có nhiều người là nạn nhân của các đối tượng giả danh nhân viên ngành bưu điện, công an, gọi điện thoại đến để lừa đảo, chiếm đoạt của họ số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra đang điều tra, xác minh tố giác của một số nạn nhân của loại tội phạm này.

Cảnh báo lừa đảo bằng hình thức chuyển tiền qua điện thoại   - Ảnh 2.

Lừa đảo qua mạng xã hội chiếm đoạt hàng tỷ đồng, Nguyễn Thị Quỳnh Như (sinh năm 1998, trú tại số nhà B5/15J, ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) đã bị công an bắt giữ. Ảnh: TTXVN.

"Hình thức lừa phổ biến được bọn chúng đưa ra là thông báo tới nạn nhân có dính đến đường dây tội phạm rửa tiền và mua bán ma túy. Nếu muốn chứng minh trong sạch thì phải chuyển toàn bộ số tiền hiện có vào tài khoản do chúng chỉ định để xác minh, nếu là "tiền sạch" thì chúng sẽ trả lại. Không ít người đã đến ngân hàng làm theo hướng dẫn và chuyển vài tỷ đồng", đại diện công an thành phố Hồ Chí Minh nói.

Theo giới am hiểu công nghệ, nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao còn có khả năng cài đặt số điện thoại "ảo" khiến cho điện thoại của nạn nhân hiện ra số điện thoại của ngành công an hoặc tòa án. Người dân tra lại số thì đúng với thực tế, nên nhiều người tin đây là cuộc gọi thực sự từ cơ quan chức năng. Một số tình huống khác, kẻ gian thậm chí còn gọi điện nhiều lần bằng số giả hotline gần giống với đường dây nóng của ngân hàng. Và khi khách hàng gọi tới, chúng cho chuyển hướng cuộc gọi đến tổng đài của ngân hàng, và theo dõi cuộc gọi để lấy hết dữ liệu thông tin.