Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cảnh giác trước tình trạng lây lan trên diện rộng dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc

(Dân sinh) - Trước tình trạng lây lan trên diện rộng, dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc vẫn chưa có thuốc điều trị và vacxin phòng ngừa bệnh. Người dân khá hoang mang về căn bệnh này.

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam, tại một số quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona.

Cụ thể tại Thái Lan có 2 trường hợp (hai trường hợp này đều là người cư trú tại thành phố Vũ Hán và đến Thái Lan du lịch). Tại Nhật Bản có 1 trường hợp (đây là người Nhật trở về từ thành phố Vũ Hán và có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán).

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người của vi rút corona.

Cảnh giác trước tình trạng lây lan trên diện rộng dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Đã có 2 trường hợp tử vong do mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona.

Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, thông qua việc giám sát tại cửa khẩu của hệ thống kiểm dịch y tế, tại Đà Nẵng đã phát hiện 2 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Cả hai đã được cách ly và quản lý kịp thời. Qua theo dõi sức khỏe cả hai trường hợp này đều không có các biểu hiện khác của bệnh viêm phổi, sau đó đã hết sốt, kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV và đã được xuất viện để trở về nước.

Chủng coronavirus nói trên có tên chính thức là 2019-nCoV, tuy có nhiều điểm tương đồng và cấu trúc di truyền giống đến 70% loại coronavirus gây ra SARS (Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng) nhưng khả năng lây lan có vẻ kém hơn. Tuy nhiên, với 2 trường hợp virus "vượt biên giới" nói trên, nguy cơ nó lan rộng và đe dọa ít nhất là thành phố Vũ Hán với hơn 11 triệu dân là có thật.

Theo Reuters ngày 19/1, Ủy ban Y tế đô thị Vũ Hán (Trung Quốc) vừa xác nhận có thêm 17 trường hợp viêm phổi lạ do chủng vi rút corona mới gây ra, giữa lo ngại tình trạng lây lan gia tăng khi nhiều người đi lại dịp tết Nguyên đán.

Trong số những bệnh nhân vừa được chẩn đoán mắc bệnh có 3 người bị bệnh nặng. Theo thông báo, tổng số người bị nhiễm bệnh tại Trung Quốc là 62 người, tất cả đều ở Vũ Hán và 2 người trong số này đã tử vong.

Bình luận về vấn đề, ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh truyền nhiễm ở Đại học Minnesota (Mỹ) cho rằng đó không phải điều bất ngờ.

Cách phòng bệnh

Tuy các biểu hiện lâm sàng không nặng nề như SARS, cúm A/H5N1 và tỉ lệ tử vong chưa phải là cao (đến nay có hai bệnh nhân tử vong), có những dấu hiệu cho thấy không thể chủ quan với căn bệnh này: có chùm ca bệnh, có dấu hiệu cho thấy có thể lây từ người sang người, các ca bệnh cho đến nay đều xuất phát từ Vũ Hán trong khi đây lại là đầu mối giao thương lớn.

Đặc biệt, hiện chưa rõ nguồn gốc của bệnh: Từ động vật hay từ đâu? Loài động vật nào? Trong 20 năm qua, các bệnh mới phát sinh trên người đều có nguồn gốc từ động vật và đều rất nguy hiểm, như cúm gia cầm H5N1, SARS, MERS- CoV...

Ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay do mùa tết lưu lượng giao thương đi lại, du lịch rất lớn, thành phố Vũ Hán là đầu mối giao thông. Một chuyên gia khác cũng nhận định việc giám sát thông qua máy đo thân nhiệt và các biện pháp khác cũng chỉ ngăn chặn được 60% nguy cơ, 40% còn lại là "khoảng trống" đáng lo ngại.

Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh viêm phổi lạ và các bệnh lây qua đường hô hấp, cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc (khoảng cách tối thiểu là 2m), hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

Cục cũng yêu cầu những người trở về từ thành phố Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại Vũ Hán, hoặc có sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn sức khỏe.

Đồng thời tổ chức các Đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện một cách liên tục kể cả trong dịp Tết Nguyên đán và những ngày lễ hội dịp đầu năm.