Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chiều nay (21/5): Trình Quốc hội Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

(Dân sinh) - Chiều nay (21/5), theo chương trình kỳ họp Quốc hội, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Sáng nay (21/5), theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi và thảo luận trực tuyến về một số nội dung vẫn còn các ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Chiều nay (21.5), Trình Quốc hội Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - Ảnh 1.

Chiều 20/5, các đại biểu thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ thêm ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài hiện nay khoảng gần 600.000 người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm việc hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Ngoài ra, một số thị trường ở châu Âu có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam như: Nga, Rumani, CHLB Đức, Ba Lan, Latvia, Áo... Riêng đối với thị trường CHLB Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao.


Tiếp đến, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Sau thảo luận, Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Trước đó, tại phiên họp Toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 6/5/2020, đã thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (sửa đổi).

Thẩm tra Dự Luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật; tuy nhiên cần nhấn mạnh thêm, trong thời đại hướng tới nền kinh tế trí thức, công nghiệp 4.0, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài phải trên cơ sở sự lựa chọn từng lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng lao động và nước tiếp nhận lao động. Ngoài ra, một số thành viên Ủy ban cũng đề nghị cần quan tâm làm rõ thêm về những nội dung như phạm vi, đối tượng; chính sách của nhà nước; bảo hộ người lao động làm việc ở nước ngoài; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước trong Dự án Luật.

Tán thành với việc sửa đổi Luật, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị dự án Luật phải thể hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các đại biểu phân tích, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo mà hiện nay cần đưa người có trình độ chuyên môn đến làm việc ở các nước. Các nước tiếp nhận lao động phải an toàn, có thu nhập cao, khoa học kỹ thuật phát triển.

Phó Chủ nhiệm  Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định vấn đề đào tạo nguồn nhân lực không chỉ tăng thu nhập cho người lao động, mà đây chính là nguồn nhân lực cho tương lai để phát triển đất nước. Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không phải bằng mọi giá mà cần tính toán rất kỹ. Vì vậy, các điều kiện, tiêu chuẩn phải rất chặt chẽ và thể hiện tư tưởng, quan điểm của Đảng.

"Chúng ta đưa lao động đi để lấy hình ảnh người lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn, sức khỏe, trí tuệ, hiểu biết văn hóa, thể hiện hình ảnh lao động Việt Nam trên thế giới", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Chiều nay (21/5): Trình Quốc hội Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Không chấp nhận cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá mà có sự chọn lựa địa bàn, lĩnh vực

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định quan điểm: Không chấp nhận cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá mà có sự chọn lựa địa bàn, lĩnh vực. Và xu hướng hiện nay là chuyển mạnh theo hướng đào tạo qua các trường nghề và kết nối trường nghề với doanh nghiệp. "Học viên có thể nhận việc ngay với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, sau đó ra nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp này và khi trở về có nơi nhận", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Liên quan đến Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, dự thảo Luật lần này đã kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời khẳng định rõ vai trò và sự cần thiết của Quỹ trong giải pháp chủ động kịp thời bảo vệ và hỗ trợ người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài khi bối cảnh khó lường trước các rủi ro, hỗ trợ mở rộng các thị trường mới và ổn định phát triển các thị trường cũ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi quy định lần này nhằm xác định rõ, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nguồn hình thành không từ ngân sách nhà nước, và chỉ thành lập quỹ ở trung ương, nhưng việc sử dụng quỹ cho cả trung ương và địa phương.

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết thành lập Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nhiều tới việc làm của người lao động Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, một số thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, cần duy trì Quỹ này, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gặp khó khăn.

Từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành đánh giá tổng kết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Từ tháng 7/2019, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các công việc theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, cụ thể như sau:

-Thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và họp để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung lớn của dự thảo Luật.

- Tiến hành nghiên cứu soạn thảo dự thảo, các tài liệu và tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia ILO, các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và trang thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 03/12/2019.

Đến nay, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được 47 lượt ý kiến góp ý bằng văn bản, gồm: Bộ, ngành (6); Ủy ban nhân dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố (10); Hiệp hội xuất khẩu lao động; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (28), Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Đến thời điểm này, các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được hoàn thành trên cơ sở tiếp thu ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, thảo luận của các thành viên Chính phủ, thẩm định của Bộ Tư pháp và góp ý của các cơ quan, tổ chức. Các tài liệu đã đầy đủ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.

Những mục tiêu dự án Luật sửa đổi hướng tới gồm:

-Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thông suốt và đồng bộ cho hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp

đồng; trong đó có hành lang pháp lý quy định về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chặt chẽ, mang tính chất đặc thù.

-Tiếp tục cải cách cách thủ tục hành chính, mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; loại bỏ, sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; bổ sung các quy định cụ thể, rõ rành, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

-Bảo đảm tương thích giữa pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các luật chuyên ngành, pháp luật có liên quan của các nước tiếp nhận lao động, các công ước quốc tế có liên quan đến lao động di cư.