Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế: Kịp thời giúp người dân "cứu" lúa bị đổ ngã do mưa lớn

Do phải chịu các trận mưa và giông lốc trong 2 ngày 12 – 13/4, nhiều diện tích lúa Đông Xuân tại tỉnh Thừa Thiên – Huế lại đứng trước nguy cơ thất thu.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế: Kịp thời “cứu” lúa để “cứu cánh” các ngành kinh tế khác - Ảnh 1.

Nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân tại Thừa Thiên - Huế bị đổ ngã do mưa lớn, giông lốc

Vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn trên diện rộng vào chiều 12/4 và 13/4/2020 đã làm cho 4.156 ha lúa tại Thừa Thiên – Huế bị ngập từ 0,15-0,2 m. Tổng diện tích lúa bị ngã đổ 10.769ha. Các địa phương bị thiệt hại lớn gồm: Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thủy…

Theo nhiều nông dân, lúa bị đổ rạp không chỉ ảnh hưởng năng suất và chất lượng hạt, mà con gây khó khăn cho khâu thu hoạch lúa; làm tăng chi phí thu hoạch,…

Được biết, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã gieo cấy khoảng 28.667 ha lúa. Đến nay lúa trổ - chín khoảng 28.157 ha, diện tích thu hoạch khoảng 50ha. Việc có hơn 14.000ha lúa bị đổ ngã, ngập úng trong thời điểm này do mưa lớn, giông lốc đã ảnh hưởng đến các kế hoạch ổn định kinh tế - xã hội hậu dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Trước thực trạng trên, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị, với phương châm "còn nước, còn tát", lãnh đạo các địa phương phải tập trung vận động, hỗ trợ người dân cứu các diện tích lúa bị thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa giai đoạn trổ chín đến đỏ đuôi, có tỷ lệ hạt chín trên bông lớn hơn 85% thì tiến hành thu hoạch sớm, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đối với diện tích lúa giai đoạn trổ chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín. Đối với lúa làm đòng chuẩn bị trổ cần thoát nước nhanh, dựng lúa nếu bị đỗ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế: Kịp thời “cứu” lúa để “cứu cánh” các ngành kinh tế khác - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra diện tích lúa bị ảnh hưởng của thời tiết

Kiểm tra diện tích luá bị đổ ngã tại Phú Vang và Hương Thuỷ vào sáng 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê, phân loại thiệt hại đối với từng vùng, từng đối tượng, đánh giá mức độ thiệt hại tương ứng với từng nhóm lúa để có cơ sở hỗ trợ.

Theo ông Phương, giải pháp trước mắt là tập trung lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa để hạn chế hư hỏng do lúa bị mọc mầm và các nấm gây bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương vận động bà con nông dân tiến hành bơm Kali để tăng sức đề kháng, độ cứng cho cây cũng như tăng cường kiểm tra các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh lem lép hạt, khô vằn, rầy nâu,…để phun trừ kịp thời, hạn chế thiệt hại.

Chiều cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã trực tiếp kiểm tra diện tích lúa bị ngập úng, đỗ ngã tại các xã Quảng Thái, Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) và Điền Lộc, Phong Chương (huyện Phong Điền). Đây là hai huyện có diện tích lúa bị thiệt hại tương đối lớn với 1.990ha ở Phong Điền và 1.496ha ở Quảng Điền.

Sau khi thăm đồng, ông Thọ cho rằng, ngành nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời giải quyết một lượng lớn công nhân thất nghiệp từ thành thị trở về nông thôn. Vì vậy, ông Thọ chỉ đạo các địa phương và ngành nông nghiệp cần khẩn trương đánh giá, rà soát và triển khai ngay các giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại, khẩn trương giúp dân gặt lúa, tổ chức tiêu úng cứu lúa.

Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng các lĩnh vực có lợi thế so sánh. Các địa phương hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, tập trung thúc đẩy sản xuất, chuyển đổi hình thức kinh doanh ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hậu dịch COVID-19 triển khai đẩy mạnh sản xuất, tạo hàng hóa.

"Tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà còn nông dân, đặc biệt là những hộ khó khăn, hộ nghèo. Do đó, các địa phương cần triển khai ngay các giải pháp để hỗ trợ cho bà con, đặc biệt là thực hiện chi trả sớm gói hỗ trợ an sinh xã hội để người dân sớm vượt qua khó khăn", ông Thọ chỉ đạo.