Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chưa có lao động Việt Nam nào tại Hàn Quốc bị nhiễm Covid-19

(Dân sinh) - Để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết, người lao động có thể liên lạc với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo số điện thoại: 010-3248-6886; 010-4356-2505 hoặc số điện thoại của EPS: 010-9892-1712.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có khoảng gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, ở 2 vùng dịch lớn của Hàn Quốc là TP.Daegu và tỉnh Gyeongbuk thì Daegu có khoảng 1.000 lao động Việt Nam, Gyeongbuk có hơn 3.000 lao động Việt Nam đang làm việc.

"Ngay từ khi có dịch, Cục quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản gửi Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, hướng dẫn người lao động tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu của nước sở tại. Đến thời điểm này chưa có lao động Việt Nam nào bị nhiễm Covid-19" - ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và doanh nghiệp phái cử theo dõi tình hình dịch bệnh liên quan đến lao động Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Việt Nam tại Hàn Quốc và đại diện doanh nghiệp cũng đang triển khai cung cấp thông tin phòng dịch cho người lao động. Hệ thống các tư vấn viên người Việt tại các trung tâm hỗ trợ lao động cũng thường xuyên cập nhật thông tin cho người lao động Việt Nam, đồng thời khuyến cáo người lao động không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch; tuân thủ các hướng dẫn về phòng tránh dịch bệnh của cơ quan chức năng Hàn Quốc.

Chưa có lao động Việt Nam nào tại Hàn Quốc bị nhiễm  Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm bếp ăn của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH)

Để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết, người lao động có thể liên lạc với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo số điện thoại:  010-3248-6886; 010-4356-2505 hoặc số điện thoại của Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS): 010-9892-1712.

Trước đó ngày 29/01/2020, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc có thông báo chính thức: Những công dân nước ngoài đang cư trú trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch viêm đường hô hấp do virut Corona khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất.

Hàn Quốc cũng khuyến khích người lao động nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị nếu tiếp xúc với người nhiễm virut Corona hoặc nghi ngờ có triệu trứng bị lây nhiễm.

Thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 02/02/2020, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra, ngày 03/02/2020 Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành công văn số 213/QLLĐNN-VP yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Trao đổi với đối tác nước ngoài để tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có các trường hợp nhiễm dịch bệnh nCoV; trong trường hợp cần thiết xuất cảnh, doanh nghiệp cần phải quán triệt cho người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nCoV, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

2. Đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động về nước: (1) các doanh nghiệp tổ chức đón người lao động và yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam khi nhập cảnh; (2) trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp cần phải tổ chức khám cho người lao động tại các cơ sở y tế trước khi người lao động trở lại địa phương; (3) trao đổi với đối tác nước ngoài và người lao động để đặt vé máy bay cho người lao động về Việt Nam không có lịch trình quá cảnh tại Trung Quốc và các nước có các trường hợp nhiễm dịch bệnh nCoV; (4) thường xuyên cập nhật, báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về danh sách người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước (theo phụ lục số 11 ban hành kèm theo Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại địa chỉ http://csdl.dolab.gov.vn.

3. Các doanh nghiệp thường xuyên phối hợp, liên hệ với các Ban Quản lý lao động và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, đối tác nước ngoài để theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe của người lao động và thường xuyên báo cáo kết quả diễn biến liên quan đến sức khỏe của người lao động với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp xử lý kịp thời phát sinh khi người lao động có triệu chứng lây nhiễm dịch bệnh nCoV.