Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chuyên gia gợi ý giải pháp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp

Các ý kiến được chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn Đối thoại doanh nghiệp và đổi mới công nghệ tổ chức chiều 25/11 tại Gia Lai. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Techdemo 2019.

Trong thời gian qua đã có nhiều chính sách được ban hành để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua các công cụ thuế; chương trình hỗ trợ tài chính như trích lập Quỹ khoa học và công nghệ; hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp và bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay  phục vụ đổi mới công nghệ... Qua các chương trình này đã có những doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh nhờ đổi mới công nghệ. "Tuy nhiên, đổi mới công nghệ vẫn chưa thành hoạt động phổ biến, đặc biệt là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nói.

Chuyên gia gợi ý giải pháp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đối thoại về các giải pháp đổi mới công nghệ chiều 25/11.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến doanh nghiệp nói về nhu cầu đổi mới công nghệ, tuy nhiên do nguồn lực tài chính hạn chế; thiếu thông tin về các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên việc tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động này còn khó khăn.

Là người từng có nhiều năm hợp tác cùng các doanh nghiệp, PGS Dương Minh Hải, Đại học Quốc gia Singapore dẫn ví dụ từ quốc gia này các doanh nghiệp luôn sẵn sàng đổi mới công nghệ. Khi các nhà khoa học viết dự án nghiên cứu phải có doanh nghiệp hỗ trợ. Để làm được điều này, vấn đề nhà khoa học đặt ra phải trùng với sự quan tâm của doanh nghiệp. Nếu nghiên cứu đó giải được bài toán cho những khó khăn họ đang gặp phải thì việc cấp kinh phí không còn là chuyện khó khăn. Điều doanh nghiệp cần là làm sao đơn giản hóa trong sản xuất, nâng hiệu suất đầu tư.

Chuyên gia gợi ý giải pháp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

PGS Dương Minh Hải cho rằng nghiên cứu của nhà khoa học phải đi sát nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: HM

Chia sẻ quan điểm này, TS Alexander Redeker One, các trường đại học, viện nghiên cứu khi thực hiện đề tài đều cần tiền. Ở Đức khi một giáo sư muốn đệ đơn lên xin dự án nghiên cứu thì ông ta buộc phải có doanh nghiệp đồng hành. Doanh nghiệp này đóng vai trò đánh giá và kiểm chứng tính thực tiễn của nghiên cứu, khi đó cơ quan xét duyệt mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Những kinh nghiệm này minh chứng để liên kết viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trước hết xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. "Khi có nhu cầu, doanh nghiệp cần có niềm tin vào năng lực của viện, trường và sẵn sàng chi trả. Việc còn lại là các đơn vị nghiên cứu cần nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu này", ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.

Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) từ năm 2015 thông qua các kỳ tư vấn, kết nối và trình diễn cung cầu công nghệ vùng đã tiếp nhận 760 loại nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, thuộc lĩnh vực: Công nghệ sinh học; nuôi cấy mô tế bào thực vật; sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; vi sinh vật bảo vệ cây trồng; chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch; cơ khí chế tạo...  Cục đã tìm kiếm và cung cấp thông tin hơn 3.000 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp theo nhu cầu doanh nghiệp, trong đó có công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Trung bình một năm cập nhật thêm 620 nguồn cung công nghệ.