Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chuyện người thương binh…nuôi ruồi

(Dân sinh) - Mới được triển khai từ năm 2018, nhưng với thương binh Nguyễn Mạnh Hùng, nghề nuôi ruồi lính đen đang từng bước cho hiệu quả kinh tế cao.

Tham gia chiến đấu suốt 10 năm, trở về quê hương lập nghiệp khi cơ thể không còn lành lặn, cuộc sống thường ngày với thương binh hạng 1/4 Nguyễn Mạnh Hùng ở thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là cả một sự kiên trì, phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên làm giàu và giúp đỡ cho mọi người…

Từ mô hình nuôi cá giống hiệu quả

"Với tôi, có lẽ thành công nhất chính là: Cầm tay chỉ việc, cam kết thành công và chia sẻ lợi nhuận với người nông dân".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Thương binh hạng 1/4, thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa)

Từng được biết đến với biệt danh "Hùng ảnh" khi những năm trước đây nghề ảnh đã giúp ông Nguyễn Mạnh Hùng tạo được công ăn, việc làm cho hàng chục thanh niên là con, em các gia đình thương binh, liệt sỹ có công việc ổn định. Từ thành công trong nghề ảnh, với mong muốn tiếp tục tạo việc làm cho thật nhiều con em đồng đội có việc làm, thu nhập để cải thiện cuộc sống, ông Nguyễn Mạnh Hùng quyết định thành lập Hợp tác xã thương binh và người tàn tật Nguyễn Hùng đồng thời mạnh dạn mua đất chuyển nhượng của 18 hộ dân sống quanh kênh mương tiêu nước và bãi rác của huyện, ông Hùng đã cải tạo thành khu trang trại sinh thái tổng hợp,vừa làm nghề ảnh, vừa kinh doanh dịch vụ ăn uống và nuôi thả cá giống. Chính nghề nuôi thả cá giống đã trở thành thế mạnh của Hợp tác xã Nguyễn Hùng.

Chuyện người thương binh…nuôi ruồi - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (đứng giữa) tại Hội nghị gặp mặt Người có công tiêu biểu năm 2019

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp với nghề nuôi cá giống, ông Hùng cho biết: "Việc đưa con cá lóc giống từ miền Nam ra miền Bắc là cả một vấn để, trước đây việc vận chuyển cá giống bằng đường bộ, đường hàng không với thời gian dài, thời gian lưu kho lâu tới 12-13 giờ nên khi nhận được cá giống thì cá đã chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho gia đình. Sau này, nhờ các mối quan hệ, cũng bằng đường hàng không nhưng tôi đã rút ngắn được thời gian đưa đàn cá giống ra miền Bắc chỉ sau 7 giờ. Năm 2007, tôi đưa giống cá lóc từ đồng bằng sông Cửu Long vào nuôi thử nghiệm trên diện tích hơn 600 mét vuông ao nuôi. Chỉ 5 tháng nuôi, HTX đã thu về hơn 1,5 tạ cá, trị giá gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, có những đợt rét nặng, cá giống, cá bố mẹ chết hàng loạt. Sau những đợt ấy, tôi lại mày mò học tập, nghiên cứu, khắc phục đưa con cá sống qua mùa đông. Ngoài cá lóc thì cá rô đầu vuông, ếch giống cũng được chúng tôi nuôi thành công…"- ông Hùng nói.

"Đưa cá giống về, nuôi cá giống thành công, đến năm 2011-2012 tôi được tham dự chương trình nghiên cứu khoa học nông nghiệp cạnh tranh tại trường Đại học Cần Thơ, tôi đã đưa được hai loại cá bố mẹ F1 (cá lóc và cá rô đầu vuông) về Thanh Hóa và cho sinh sản thành công tại trang trại Hợp tác xã, hỗ trợ nông dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng và nông dân miền Bắc nói chung áp dụng thành công. Công trình trên được các giáo sư, tiến sĩ trường Đại học Cần Thơ nghiệm thu ngay tại trang trại, được hội đồng khoa học và Hội làm vườn, trang trại tỉnh Thanh Hóa đánh giá rất cao. Tài liệu tôi viết về kỹ thuật cho cá lóc và cá rô đầu vuông sinh sản nhân tạo, sau này đã trở thành tài liệu chuyển giao cho rất nhiều nông dân áp dụng. Từ những kết quả đó, cũng trong năm 2012 tôi là đại biểu duy nhất của tỉnh Thanh Hóa và là đại biểu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được tham dự hội thảo nghiên cứu và học tập Hội nghề cá thế giới tổ chức tại Hàn Quốc. Thông qua hội thảo này, tôi được học tập rất nhiều, đồng thời cũng đem tiếng nói và hoạt động của Hợp tác xã hội nhập với thế giới theo chương trình Phát triển nghề cá nuôi trồng thủy sản và Phát triển chăn nuôi cộng đồng…" – ông Hùng phấn khởi cho biết.

Với những thành công bằng nghề nuôi cá giống, Hợp tác xã thương binh và người tàn tật Nguyễn Hùng hiện nay đang là địa chỉ cung cấp cá giống chất lượng cho bà con nông dân trong tỉnh. Không chỉ cung cấp cá giống mà HTX còn sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm nuôi cá. Ngoài ra, nơi đây cũng là mái nhà đầy tình thương, là nơi tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người, chủ yếu là trẻ tàn tật, mồ côi, con em các gia đình thương binh, liệt sĩ…

Nhà sáng chế nông dân

Gắn bó với đồng ruộng, với người nông dân, ông Hùng hiểu và luôn trăn trở làm thế nào để giúp người nông dân bớt đi khó khăn, vất vả, những người một nắng hai xương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Với suy nghĩ đó, ông không ngừng tích cực học tập, mày mò nghiên cứu. Từ việc thành công đưa cá giống ra Bắc, cho cá giống sinh sản tại chỗ, cung cấp nguồn giống đảm bảo cho bà con nông dân, ông tiếp tục học tập, nghiên cứu sản xuất máy cấy kéo tay hỗ trợ nông dân.

Chuyện người thương binh…nuôi ruồi - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu máy cấy cầm tay

Ông Hùng kể: "Năm 2015-2016, tôi cùng với nhóm nghiên cứu khoa cơ khí Học viện nông nghiệp đã sản xuất thành công máy cấy cầm tay, được bà con nông dân cả nước đón nhận. Đến nay, tôi tiếp tục mày mò, nghiên cứu và đã cho ra đời máy cấy không động cơ thế hệ thứ 4 và dự kiến sắp tới sẽ cho ra đời máy cấy thế hệ thứ 5 là loại có động cơ chạy bằng ắc quy. Cũng với đề tài trên, tháng 6/2016 tôi còn phối hợp với đài truyền hình Trung ương xây dựng hai bộ phim khoa học hướng dẫn kỹ thuật làm mạ theo phương pháp nông hộ cho máy cấy kéo tay và kỹ thuật sử dụng, vận hành máy cấy không động cơ. Hai bộ phim khoa học trên đã trở thành tài liệu giảng dạy trên truyền hình cho nông dân cả nước…" – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng cho biết, việc sử dụng máy cấy đối với một số máy tự động ở một số vùng không phù hợp đo đó việc sử dụng máy cấy cầm tay giúp người nông dân rút ngắn thời gian mà hiệu quả lại cao. Từ việc sản xuất thành công máy cấy cầm tay hỗ trợ nông dân trong sản xuất, hầu như các tỉnh thành trong cả nước đều sử dụng máy cấy cầm tay do ông Hùng sản xuất. Ngoài ra có đến 6 nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Indonexia, Nigieria đặt hàng và đã mua sản phẩm máy cấy cầm tay về áp dụng trong sản xuất.

Đến nghề độc…nuôi ruồi lính đen


Ông Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu cách chăm sóc ruồi và ấu trùng ruồi lính đen

Nói về nghề nuôi ruồi lính đen, một nghề mới triển khai nuôi gần hai năm nay nhưng đã mang lại hiệu quả cao, ông Hùng chia sẻ: "Năm 2018 tôi bắt đầu nuôi ruồi lính đen, càng nuôi ruồi lính đen tôi càng thấy thú vị vì nó có nhiều lợi ích mang tính xã hội hóa cao. Nuôi ruồi lính đen sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường vì thức ăn chủ yếu của chúng là các loại rau củ quả hư, thức ăn thừa, rác thải sinh hoạt… Ruồi lính đen không gây phiền toái cho con người, không gây hại và đặc biệt là ruồi lính đen trong quá trình nuôi sẽ tạo ra một sản phẩm siêu đạm dùng để làm thức ăn cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… Đây là mô hình mới cần được nhân rộng, đặc biệt là các vùng nông thôn, giúp bà con giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi, mang lại lợi nhuận cao..."- ông Hùng chia sẻ.

Chuyện người thương binh…nuôi ruồi - Ảnh 5.

Sản phẩm ấu trùng ruồi lính đen

Để có được những thành công từ nghề nuôi ruồi, ông Hùng đã gặp muôn vàn khó khăn. Những ngày đầu tiên khi chuyển sang mô hình nuôi mới, ông Hùng phải nhập giống ruồi lính đen mãi từ Indonesia về, tuy nhiên vì chưa hiểu cách nuôi ruồi và khí hậu không phù hợp ông gặp thất bại. Không khuất phục trước khó khăn, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu rồi tìm vào tận tỉnh Đắc Lắc, An Giang để tìm mua con giống. Chuyện ông Hùng nuôi ruồi ngày ấy trở thành câu chuyện bàn tán, là chuyện lạ ở huyện Tĩnh Gia rồi tới chuyện lạ Thanh Hóa. Theo ông Hùng cho biết, ruồi lính đen trong môi trường tự nhiên phát triển kém nhưng khi có con người tác động vào thì phát triển rất mạnh. Vòng đời của ruồi ngắn khoảng 45-50 ngày, theo quy trình từ ấp trứng, sau 4 ngày trứng nở thành nhộng, nhộng phát triển từ 25-30 ngày sau đó nhộng chuyển hóa thành kén và chuyển hóa thành ruồi.

"Nuôi ruồi lính đen tuy khó nhưng cũng rất đơn giản, chỉ cần một lồng lưới rộng khoảng 5 m2, khay nhựa đựng kén, các bó thanh gỗ cho ruồi đẻ trứng và một bể xi măng nuôi ấu trùng là có thể nuôi được. Tuy nhiên, với khí hậu như miền Bắc có phần khắc nghiệt nên cần tạo độ ẩm thuận lợi, nhất là vào mùa đông, đây là thời điểm cần tạo được khí hậu thuận lợi để nuôi ruồi. Đến cuối năm 2018 tôi đã nuôi thành công ruồi lính đen và nghiên cứu, hoàn thiện quy trình chuẩn nuôi ruồi lính đen tái đàn sinh sản thành công theo tiêu chí quy mô trang trại lớn, quy mô gia trại và quy mô hộ gia đình. Hầu hết các đơn vị trong tỉnh đã có đơn đặt hàng tập huấn và chuyển giao thành công mô hình này. Hiện nay tôi đang tham gia phối hợp với một số đơn vị xây dựng trang trại xanh, xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn làm nguyên liệu nuôi ruồi lính đen, sản xuất ấu trùng ruồi làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi…"- ông Hùng nói.

Không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu cho mình và giúp đỡ mọi người, nhưng khi nói về những thành công của mình, ông Hùng chỉ giản dị cho biết: Mỗi một thành công tôi đều trải qua nhiều thất bại, mỗi một thất bại tôi lại rút kinh nghiệm để đạt được thành công. Là người lính trở về đời thường với vết thương nặng khi trái gió trở trời lại đau nhức, cùng với những khó khăn thất bại trong công việc, nhưng chính từ sự động viên của gia đình lại là nghị lực để tôi vượt lên. Chính những thành công đó mà tôi làm chủ được khoa học kỹ thuật và chuyển giao lại cho nông dân. Với tôi, có lẽ thành công nhất chính là "cầm tay chỉ việc, cam kết thành công và chia sẻ lợi nhuận" với người nông dân..".