Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cơ hội việc làm tăng ở nhiều ngành nghề trong năm 2020

(Dân sinh) - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa dự báo một loạt các ngành nghề tiếp tục có xu hướng thu hút nhân lực trong năm 2020. Theo đó, thị trường lao động trong các năm tới sẽ có xu hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, nhóm ngành kinh doanh, thương mại, dịch vụ cần nhiều nhân lực.

8 ngành nghề thu hút nhiều nhân lực

Theo dự báo, nhóm ngành Công nghệ thông tin - Điện tử, nhu cầu nhân lực tiếp tục tăng mạnh với các vị trí an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành web, thiết kế và thực hiện quy trình công nghệ, kỹ sư điện tử, thiết kế vi mạch, kỹ thuật viên điện tử, bảo trì hệ thống điện tử.…

Đối với nhóm ngành Cơ khí - Tự động hóa, nhu cầu nhân lực ở các vị trí kỹ thuật viên cao cấp, kỹ sư giám sát, điều khiển trung tâm; kỹ sư công nghệ tự động điều khiển các dây chuyền sản xuất tự động trong các nhà máy; chuyên gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Năm tới, nhóm ngành Công nghệ - Thực phẩm tại TP.HCM được dự báo vẫn tập trung phát triển những sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng lớn bằng công nghệ hiện đại. Do đó, nhiều nhu cầu nhân lực ở các vị trí như kỹ sư công nghệ thực phẩm, phân phối sản phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, chuyên gia hương vị, công nhân sản xuất - chế biến thực hẩm, công nhân đóng gói sản phẩm.

Cùng sự phát triển vũ bão của Internet, nhóm ngành Thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thời gian tới, nhóm ngành này sẽ tiếp tục thu hút nhân lực với những vị trí: Quản lý kế hoạch kỹ thuật số, tiếp thị số, điều phối viên truyền thông, người viết quảng cáo…

Nhóm ngành Logistics cũng cần rất nhiều nhân lực với các vị trí nhân viên chứng từ thanh toán quốc tế, thu mua, nhân viên hiện trường/giao nhận, nhân viên điều vận đội xe/bãi, quản lý hàng hóa.

Tốc độ phát triển của ngành Du lịch và các dịch vụ nhà hàng, khách sạn thời gian gần đây kéo theo nhu cầu ngày càng gia tăng về nguồn nhân lực với kỹ năng thực hành, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, kỹ năng du lịch. Các vị trí có nhiều việc làm là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên điều hành tour, quản lý nhà hàng, quản lý lữ hành quốc tế, nhân viên tư vấn du lịch.

Đối với nhóm ngành Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng - Bảo hiểm, nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí chuyên viên phát triển mạng lưới, thanh toán quốc tế, kiểm tra dữ liệu, phát triển thị trường, chuyên viên tư vấn đầu tư.

Dệt - May - Giày da cần nhân lực ở các vị trí thiết kế mẫu, thiết kế khuôn mẫu, kỹ thuật dây chuyền, thợ lành nghề.

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ phục vụ, dịch vụ thông tin - tư vấn - chăm sóc khách hàng sẽ tiếp tục thu hút nhân lực; cùng các ngành thu hút nhân lực theo xu hướng phát triển năm 2020 và những năm sắp tới như: Giáo dục, y tế, kiến trúc - xây dựng.

Cơ hội việc làm tăng ở nhiều ngành nghề trong năm 2020 - Ảnh 1.

Thị trường lao động năm 2020 đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao hơn

Yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực cao hơn

Theo các chuyên gia lao động, với cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Nhóm lao động kỹ năng trung bình bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt với những công việc có tính lặp lại dễ bị thay thế bởi tự động hóa và trợ lý ảo.

Trong cuộc cách mạng này thị trường lao động gặp những thách thức lớn giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Cùng với việc tăng cường tự động hóa và sử dụng robot thay thế con người trong các lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động phải có những thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị đào thải và trở thành thất nghiệp.

Những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp (các hoạt động đơn giản được lặp đi lặp lại) sẽ dễ được thay thế bằng các robot hay các dây chuyền tự động hóa, do đó người lao động sẽ có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng CN 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Với xu hướng nghề nghiệp năm 2020, nhu cầu nhân lực ở một số ngành nghề tăng cao, đồng thời yêu cầu chất lượng nhân lực cũng cao hơn. Vì vậy việc tập trung vào phát triển các kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm của sinh viên được xem là một phần thiết yếu. 

 Các kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin như lập trình, kỹ năng liên ngành, khai thác dữ liệu lớn, an toàn thông tin, an ninh mạng kỹ năng kỹ thuật để xử lý các phương tiện kỹ thuật số; kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông một cách hợp lý và hiệu quả; khả năng xử lý thông tin phức tạp và quản lý dữ liệu... là các kỹ năng quan trọng của người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó các kỹ năng mềm như tự quản lý và tự tổ chức, kỹ năng giao tiếp, tương tác và giải quyết vấn đề, quản lý dự án... cũng rất quan trọng.

Để đáp ứng nhu cầu lao động hiện nay, theo bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, người lao động cần xác định rõ năng lực bản thân, trang bị các kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu thị trường lao động, xây dựng cho mình một thái độ làm việc tích cực, khoa học, khả năng tương tác và kết nối.