Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Có nên cho con đeo tấm chắn giọt bắn khi ngồi học ở trường?

Nhiều bậc phụ huynh vì lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên trang bị kính chắn giọt bắn cho con khi trở lại trường học. Nhưng điều này có thực sự cần thiết?

Các trường ngày 4/5 có học sinh đi học trở lại đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp... Tuy nhiên, có những phụ huynh và nhà trường còn "cẩn thận" hơn nữa.

Có nên cho con đeo tấm chắn giọt bắn khi ngồi học ở trường? - Ảnh 1.

Giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải phát khẩu trang cho học sinh (Ảnh: VD/ Báo Pháp luật TP.HCM)

Có nên cho con đeo tấm chắn giọt bắn khi ngồi học ở trường? - Ảnh 2.

Ngoài khẩu trang, học sinh của Trường Tiểu học Núi Thành còn đeo cả tấm chắn giọt bắn.

Vietnamnet đưa tin, phụ huynh của một lớp khối 1, Trường Tiểu học Núi Thành (Quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã trang bị mũ chống giọt bắn để phòng chống dịch Covid-19 cho con em và giáo viên.

Hay như Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TP.HCM) đã trang bị 2.400 nón chống giọt bắn, để học sinh mang trong ngày đi học trở lại. Được biết, đây là sản phẩm do mạnh thường quân, phụ huynh nhà trường tài trợ, với tổng kinh phí hơn 32 triệu đồng.

Trên mạng xã hội Facebook cũng lan truyền hình ảnh các học sinh lớp 1.1, Trường Tiểu học Nhị Đồng (phường Dĩ An, TP Dĩ An, Bình Dương) đeo khẩu trang, đội nón ngăn giọt bắn trong lớp học.

Có nên cho con đeo tấm chắn giọt bắn khi ngồi học ở trường? - Ảnh 3.

Hình ảnh học sinh lớp 1.1, Trường Tiểu học Nhị Đồng đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học.

Hình ảnh các học sinh đeo cả khẩu trang lẫn tấm chắn trong suốt buổi học nhận được những phản ứng trái chiều.

Trao đổi với Báo Tổ quốc, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, đeo kính chắn để phòng chống COVID-19 khi học sinh ngồi học trong lớp là không cần thiết và không nên.

Theo bác sĩ Khanh, việc đeo tấm chắn chỉ cần thiết khi các em học sinh ra ngoài vui chơi, nô đùa nhiều, các em nói chuyện đối mặt với nhau hoặc các em có biểu hiện ho bất ngờ.

"Trong lớp, các em chỉ ngồi học quay về một hướng, không tiếp xúc mặt đối mặt thì không cần thiết. Nón này chỉ dành cho những người khám bệnh, chăm sóc trực tiếp bệnh nhân. Bởi nhiều lúc xảy ra ho bất ngờ, lúc này kính chắn, ngăn giọt bắn sẽ hạn chế lây nhiễm. Trong khi học sinh ngồi học thì không ảnh hưởng. Phụ huynh không cần quá lo lắng bởi khi đi học các bé cũng được đeo khẩu trang, phòng dịch cẩn thận. Chỉ trừ khi ra ngoài chơi thì tấm chắn mới cần, ngồi trong lớp học thì không nên đeo", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Ngoài ra, việc đeo tấm chắn giọt bắn đối với các em cận thị sẽ rất khó khăn bởi kính chắn sát mặt các bé gây vướng khó chịu. Điều này cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến mắt các bé.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, việc các em học sinh được trang bị kính chắn giọt bắn là không cần thiết.

"Các em đi học không phải đến những nơi nguy hiểm nên việc đeo kính chắn giọt bắn là không cần thiết. Trang bị khẩu trang cho các em là đủ, khi ra chơi thì dặn các em giữ khoảng cách đứng xa các bạn", bác sĩ Dũng cho biết.

Theo bác sĩ Dũng, việc các em đeo kính chắn giọt bắn thậm chí còn gây ảnh hưởng đến mắt, đặc biệt là đối với những em đeo kính cận. Việc đeo liên tục cũng gây cảm giác cực kỳ khó chịu trong thời tiết nóng bức.