Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Condotel đã có “danh phận”, BĐS nghỉ dưỡng hứa hẹn “rực rỡ” trở lại

Khi được công nhận về pháp lý, condotel sẽ có nhiều cơ hội để phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có.

"Cánh cửa" pháp lý đã mở

Thực hiện Chỉ thị số 11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, mới đây Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu cho loại hình căn hộ khách sạn (condotel).

Theo đó, đất xây condotel là đất thương mại, dịch vụ và sẽ có thời hạn sử dụng đất từ 50 - 70 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất.

Đồng thời, Nhà nước chỉ cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp các dự án có công trình đủ điều kiện được chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản. Việc chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) quy định tại Điều 32 của Nghị định số 43/2014 và Nghị định số 01/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.


Condotel đã có “danh phận”, BĐS nghỉ dưỡng hứa hẹn “rực rỡ” trở lại - Ảnh 1.

BĐS du lịch nghỉ dưỡng có cơ hội để thăng hoa trở lại sau khi condotel có đủ pháp lý

Trước đó, cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn điều chỉnh sản phẩm căn hộ du lịch (condotel, officetel…). Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành quy định quản lý căn hộ du lịch.

Như vậy sau một thời gian dài chờ đợi, condotel đã chính thức được chứng nhận "khai sinh". Những tin vui liên tiếp đến ngay trong đầu năm 2020 chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà đầu tư và chủ sở hữu các căn hộ khách sạn "thở phào".

Cục diện sắp thay đổi

Được đánh giá là mô hình nghỉ dưỡng đáp ứng thị hiếu thị trường du lịch hiện nay, từ khoảng năm 2015, sản phẩm condotel đã liên tục gây sốt và theo thống kê, đã có khoảng 30.000 căn hộ loại này đã được tung ra thị trường. Sau cao trào phát triển giai đoạn 2016 - 2017, các dự án condotel vẫn bắt đầu giảm dần từ 2018 và giảm mạnh vào năm 2019 do vướng mắc về hành lang pháp lý.

Chuyên gia kinh tế, tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc ban hành văn bản hướng dẫn này đáng ra phải làm từ lâu. Bởi nếu nhìn vào những thông tin hướng dẫn được đưa ra từ các văn bản pháp luật đã có thì rõ ràng cơ sở pháp lý cho condotel về cơ bản đã đầy đủ trong pháp luật hiện hành. Do vậy hoàn toàn có đủ cơ sở để công nhận quyền sử dụng đất của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel tùy vào chế độ sử dụng đất.

"Vấn đề có thể giải quyết một cách đơn giản và nhanh chóng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp nhưng chúng ta đã phải chờ đợi trong một thời gian dài, khiến nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư mệt mỏi và làm cho phân khúc bất động sản này mất đi nhiều cơ hội phát triển", ông Thịnh nói.

Năm 2019 vừa qua, du lịch Việt Nam tiếp tục đạt dấu mốc tăng trưởng ngoạn mục khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa ước đạt 85 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo các chuyên gia, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng bình quân 9 - 11%/năm thì năm 2020 cả nước cần có 650.000 - 700.000 buồng lưu trú du lịch và đến năm 2030 cần có 1.300.000 - 1.450.000 buồng để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Khuyến khích condotel không chỉ giúp kích thích việc xây dựng các cơ sở lưu trú mà còn gia tăng sản phẩm lưu trú cao cấp, đặc biệt trong phân khúc 4,5 sao - điều mà du lịch Việt Nam tại nhiều tỉnh thảnh đang yếu và thiếu. Với đặc thù là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch, các chủ đầu tư sẽ tăng cường thêm các tiện ích, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, góp phần "níu chân" du khách, đặc biệt là du khách quốc tế ở lại lâu hơn cũng như quay trở lại với Việt Nam.

Về mặt kinh tế, mô hình này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, khi doanh nghiệp có thêm một kênh đầu tư hiệu quả, tăng cường dòng tiền lưu thông vào thị trường, phát triển kinh tế còn nhà đầu tư thì vừa giữ được tài sản vừa có khả năng sinh lời.

Chính vì thế, các chuyên gia đánh giá việc condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ khiến giao dịch tăng mạnh trong thời gian tới.

"Một nền tảng pháp lý ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong công tác triển khai, đồng thời thận trọng và tính toán một cách kỹ càng hơn, từ đó đảm bảo hạn chế những rủi ro về tranh chấp với những nhà đầu tư rót vốn vào loại hình này", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng cần lưu ý thêm với phân khúc condotel là các cam kết lợi nhuận và khả năng đảm bảo cam kết của chủ đầu tư. Nếu doanh nghiệp có thể đảm bảo được yếu tố này và tạo được lòng tin cho khách hàng thì chắc chắn thời gian tới condotel cũng như BĐS nghỉ dưỡng sẽ quay trở lại thời hoàng kim như tiềm năng vốn có.