Quay lại Dân trí
Dân Sinh

COVID-19: Đội đặc nhiệm của Bộ Y tế làm việc xuyên ngày đêm

Các chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm cũng làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành số lượng hàng ngàn mẫu bệnh phẩm.

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế đang hoạt động tại Đà Nẵng ngày 1-8 cho biết, cả đội đang tập trung tất cả các lực lượng, nỗ lực từng giây, từng phút để hỗ trợ tối đa cho Đà Nẵng trong thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

"Ưu tiên hàng đầu hiện nay của đội là hoàn thành hàng ngàn mẫu xét nghiệm. Hiện các chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành số lượng hàng ngàn mẫu bệnh phẩm” – PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nói.

Theo PGS-TS Trần Như Dương, đoàn công tác của Bộ Y tế với các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị, giám sát dịch tễ và xét nghiệm được cử đến Đà Nẵng những ngày vừa qua đã tập trung mọi nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Riêng trong ngày 31-7, đội phối hợp với địa phương lấy mẫu xét nghiệm người dân sống ở khu vực phong tỏa gần 3 bệnh viện lớn. Các chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm cũng làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành số lượng hàng ngàn mẫu bệnh phẩm.

Hiện nay, Đội công tác đang phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc thành lập đội “Giám sát và tuyên truyền phòng chống COVID-19 tại cộng đồng” trên toàn thành phố Đà Nẵng; Xây dựng kế hoạch sử dụng các đội truy vết được lấy từ đội ngũ sinh viên trường Đại học kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và lực lượng chiến sĩ Quân khu 5; Kết nối, chia sẻ nhanh thông tin kết quả xét nghiệm các ca dương tính với của bộ phận xét nghiệm và thông tin về dịch tễ giữa của bộ phận điều tra, giám sát dịch.

Đặc biệt, Đội ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm ngay các trường hợp nghi ngờ, có các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, khó thở trong cộng đồng; Thực hiện giám sát tất cả các ca bệnh có sốt, ho, đau họng, viêm đường hô hấp tại cộng đồng, các trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện kể cả tư nhân để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà nẵng, tờ Tiền phong cho hay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19.

COVID-19: Đội đặc nhiệm của Bộ Y tế làm việc xuyên ngày đêm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các tình nguyện viên. Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Thế Trung (thành viên Tổ tư vấn Chính phủ điện tử), Phó trưởng nhóm nhận định cho biết: “Kết quả phân tích dữ liệu đến thời điểm hiện tại có 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, chưa phát hiện thông tin cho thấy khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng. Thứ hai, ổ dịch tại khu 3 bệnh viện ở TP. Đà Nẵng khá giống với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai”.

Theo ông Trung, điểm khác là dự báo số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn ở Bạch Mai, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Các chuyên gia cũng nhận xét việc giải tỏa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở bệnh viện Bạch Mai làm nhanh hơn.

Các chuyên gia đã phân tích dữ liệu, kết nối trực tuyến với các đội “đặc nhiệm” do Bộ Y tế cử vào Đà Nẵng để đưa ra các nhận định, dự báo.

Nhiều dữ liệu đã được nhóm phân tích trong đó có các dữ liệu về xét nghiệm những người có triệu chứng tại các cơ sở y tế ở các địa phương. Ví dụ tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 4/5 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 320 ca có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19. Riêng từ ngày 1/7 đến nay đã xét nghiệm là 138 ca. Kết quả âm đều âm tính với COVID-19…

Theo phân tích của nhóm, tới nay dù chưa thể kết luận chắc chắn nhưng có thể nhận định, khả năng cao nguồn bệnh xuất hiện ban đầu từ Đà Nẵng. Trong những ngày tới nhóm tiếp tục theo dõi, cập nhật và phân tích dữ liệu để có thể khẳng định.

Nhận định này rất quan trọng vì một khi xác định là dịch từ Đà Nẵng chỉ cần  thực hiện khoanh vùng dập dịch tại Đà Nẵng còn các địa phương khác tập trung quản lý thật chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người đã đến, đi qua Đà Nẵng. Ngược lại nếu các dữ liệu cho thấy khả năng dịch có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương cần có các giải pháp mạnh trên quy mô rộng hơn, thậm chí là toàn quốc.