Quay lại Dân trí
Dân Sinh

CPTPP sẽ tác động đáng kể đến tương lai thị trường phân phối, thương mại điện tử, logistics Việt Nam

(Dân sinh) - CPTPP được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai thị trường phân phối, TMĐT, logistics Việt Nam…”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), chiều nay , 25/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo về Ngành Phân phối – TMĐT - Logistics Việt Nam trước Cơ hội và Thách thức từ Hiệp định CPTPP.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh, Phân phối – TMĐT - Logistics là các dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế, phục vụ sản xuất hàng hóa.

“Đây là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong CPTPP theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam cao hơn cam kết WTO đặt ra giới hạn đối với quản lý Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh và minh bạch của thị trường. Vì vậy, CPTPP được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai thị trường phân phối, TMĐT, logistics Việt Nam…”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhờ các cam kết trong CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung.

Vì thế, cơ hội của ngành này là gia tăng quy mô thị trường nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân. Theo Ngân hàng Thế giới, CPTPP sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,1-3,5%. Ngoài ra, CPTPP còn giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối, bán lẻ từ các cam kết về thương mại hàng hóa.

Bên cạnh đó, CPTPP còn là cơ hội gia tăng hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử qua biên giới. Bởi các cam kết tại đây sẽ tạo ra khung khổ pháp lý an toàn, ổn định và có thể dự đoán được, làm tiền đề thúc đẩy thương mại điện tử.

Tuy nhiên, với ngành phân phối, thương mại điện tử, đại diện VCCI cho rằng, thách thức trong CPTPP là ở sức ép cạnh tranh từ các đối thủ mạnh. Vì thế, các doanh nghiệp ngành này cần tìm cách nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện nguồn hàng, kiểm soát chất lượng hàng hóa, cũng như cơ quan quản lý phải có biện pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển các kênh phân phối, tạo đầu mối liên kết giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – khách hàng…

Tuy nhiên, trong CPTPP, ngành chịu nhiều ảnh hưởng là logistics. Bởi theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, tiếp cận thị trường CPTPP không có nhiều thay đổi so với WTO, cho nên cạnh tranh không nhiều, do đó không ảnh hưởng đến các nhà logistics nội địa. Vì thế CPTPP mở ra cơ hội về hợp tác, đầu tư, gia tăng quy mô, hiệu quả kinh doanh cũng như giảm chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp logistics.

Nhưng tác động khác của CPTPP làm tăng hoạt động xuất nhập khẩu nên tăng nguồn khách hàng lớn cho ngành logistics. Do đó, các doanh nghiệp ngành này phải xử lý các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa, hải quan xuất nhập khẩu…

Là một trong só những người trực tiếp tham gia đàm phán CPTPP, ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương lưu ý, đối với CPTPP, đàm phám về dịch vụ được thực hiện theo phương thức chọn- bỏ.

Có nghĩa nếu không có bảo lưu gì thì Việt Nam phải mở cửa cho nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ từ các nước CPTPP khác phù hợp với các nghĩa vụ/nguyên tắc mở cửa cơ bản; Nếu có bảo lưu, thì ở khía cạnh có bảo lưu, Việt Nam được quyền không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ/nguyên tắc mở cửa liên quan, mà chỉ mở cửa ở mức như bảo lưu.

“Chính vì vậy các DN cần phải nắm rõ những nội dung cam kết để tận dụng tối đa cơ hội”, ông Khanh đưa ra lời khuyên.

Phân phối là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp quan tâm, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay: CPTPP sẽ có những tác động đến ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam do mức độ mở cửa thị trường cao hơn, rộng hơn so với trong WTO.

Dù vậy, theo bà Loan trong hơn 10 năm qua, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua những thăng trầm, nên về cơ bản họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao.

"Cam kết CPTPP cũng sẽ không làm thay đổi cục diện của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này", bà Loan nhấn mạnh.