Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cử tri đề nghị tăng tiền ký quỹ xuất khẩu lao động, quản lý chặt việc thu phí dịch vụ, môi giới

(Dân sinh) - Sau 13 năm thực hiện Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ năm 2007 đến 31/12/2019, tỉnh Thanh Hóa đã đưa 122.401 người đi làm việc ở nước ngoài; trong đó lao động 7 huyện nghèo là 10.640 người.

Sáng 7/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đã tiếp xúc cử tri tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa chuyên đề về "Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".

Thanh Hóa: Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động  - Ảnh 1.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với các đại biểu, cử tri bên lề hội nghị.

Tham gia buổi tiếp xúc cử tri có: ĐBQH Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ĐBQH Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; bà Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH Cầm Thị Mẫn - đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã thông báo đến cử tri là các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, quản lý lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa một số thông tin về Chương trình kỳ họp thứ 9 – Quốc hội Khóa XIV sẽ được tổ chức thời gian tới.

Do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp thành 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố từ 20/5 đến 4/6. Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội dự kiến từ 10 đến 19/6.

Thanh Hóa: Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động  - Ảnh 2.

Các ĐBQH tại buổi tiếp xúc cử tri.

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thảo luận 10 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết, xem xét thông qua 3 dự thảo; xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (Trong đó có nội dung phòng, chống Covid-19) phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em". Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, kiến nghị của cử tri đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Xem xét Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền nùi giai đoạn 2021-2030. Thảo luận, cho ý kiến 6 luật (Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi). Thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác…

Theo số liệu thống kê, sau 13 năm thực hiện Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ năm 2007 đến 31/12/2019, tỉnh Thanh Hóa đã đưa 122.401 người đi làm việc ở nước ngoài; trong đó lao động 7 huyện nghèo là 10.640 người. Lao động của tỉnh đi tập trung vào các nước như: Đài Loan, Nhật Bản, các nước Trung Đông, Hàn Quốc... Những năm gần đây, số lượng lao động đi làm việc ở các nước có thu nhập cao tăng như: Nhật Bản, Hàn Quôc; các nước Đông Âu. 

Số lao động của tỉnh Thanh Hoá đang làm việc tại nước ngoài hiện có trên 30.000 người. Hàng năm, số tiền gửi về nước khoảng từ 150 đến 180 triệu USD, nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đã giảm nghèo và vươn lên làm giàu; nhiều gia đình đầu tư mở cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng trang trại thu hút được nhiều việc làm mới cho người lao động. Những địa phương có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều đã làm thay đổi diện mạo cả thôn xóm, đường trường, nhà cao tầng được xây dựng. Xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định về an ninh chính trị xã hội trên địa bàn và thúc đẩy Thanh Hóa phát triển và hội nhập.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp về tuyển chọn lao động trên địa bàn còn yếu; việc phối hợp tư vấn, tuyển lao động trên địa bàn cũng chưa được quan tâm đúng mức. Lao động phải qua môi giới trung gian vẫn còn, dẫn đến chi phí người lao động tăng lên, khi người lao động gặp rủi ro chính quyền địa phương không biết dẫn đến sự việc kéo dài khó giải quyết...         

Thanh Hóa: Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động  - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Công tác thanh tra, kiểm tra công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn chưa thường xuyên. Nhất là giám sát việc tuyển chọn lao động vượt quá số lượng hợp đồng đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước; thực hiện bồi dưỡng kiến thức cần thiết và cấp chứng chỉ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài không đầy đủ, không đảm bảo chất lượng dẫn đến người lao động phải về trước thời hạn do không đáp ứng được yêu cầu của đối tác, gây thiệt hại cho người lao động; việc thu tiền cao hơn quy định vẫn tồn tại xảy ra. 

Hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Camphuchia… làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân… gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong những năm qua mặc dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao đã gây hình ảnh xấu đối với lao động Việt Nam nói chung, lao động Thanh Hóa nói riêng trên thị trường Hàn Quốc. Năng lực của một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động còn hạn chế, việc thu tiền của người lao động để đi làm việc ở nước ngoài còn vượt quá mức cho phép vẫn còn xảy ra tại địa phương.

Cử tri Lê Đình Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC kiến nghị: "Cần phải tăng thêm số tiền ký quỹ xuất khẩu lao động đối với đơn vị đưa người đi xuất khẩu lao động, ít nhất 2 tỷ đồng trở lên. Các cấp, ngành cần phải quản lý chặt việc thành lập các văn phòng, trung tâm của các công ty xuất khẩu lao động. Kiểm soát việc đào tạo nguồn lao động xuất khẩu. Rút ngắn thời hạn thanh toán hợp đồng lao động xuống còn 2 tháng sau khi lao động về nước. Quản lý chặt việc thu phí dịch vụ, môi giới bởi nhiều doanh nghiệp thực hiện việc thu phí môi giới với đối tác cao hơn quy định ở một số thị trường như: Nhật, Đài Loan… Điều này gây khó khăn cho việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động…", ông Toàn cho biết.

Trong khi đó, cử tri Hoàng Thị Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cho biết: "Luật mới sửa đổi cần xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và lâu dài việc đưa lao động đi xuất khẩu. Cần xây dựng chi tiết nội dung bồi dưỡng dạy nghề, sát với nhu cầu của đối tác. Việc tổ chức cho sinh viên ở các trường ĐH đi thực tập ở nước ngoài còn khó. Các trường ĐH không có chức năng đưa sinh viên ra nước ngoài, muốn có lại phải kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Do đó, Luật mới sửa đổi cần có quy định rõ, tạo điều kiện để các trường ĐH có thể kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài để đưa sinh viên đi thực tập…", bà Mai thông tin.

Tham gia ý kiến đóng góp vào Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều kiến nghị của các đại biểu doanh nghiệp đưa ra liên quan đến việc gia hạn giấy phép, cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động, quy định mức trần vốn pháp định, phí dịch vụ, phí môi giới, phí bảo lãnh mà doanh nghiệp dịch vụ  được thu... Các doanh nghiệp cũng mong muốn thành lập hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu lao động để giao lưu, trao đổi, bàn bạc, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu lao động…

Thay mặt Đoàn ĐBQH, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cảm ơn các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến vào Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). 

Ông Lợi cũng nhấn mạnh: "Việc sửa đổi luật là cần thiết, nhằm bảo vệ tốt hơn người lao động làm việc ở nước ngoài; bảo đảm phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm ngoài nước đối với công dân Việt Nam, phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Các ý kiến đóng góp của cử tri sẽ được đoàn ĐBQH ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp, tham gia gia đóng góp với Ban soạn thảo và Quốc hội, góp phần xây dựng luật tốt nhất..".