Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cuối năm khó tuyển lao động thời vụ

(Dân sinh) - Cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp bước vào mùa tìm kiến nguồn lao động mới, nhất là lao động thời vụ để khẩn trương hoàn thành các đơn hàng đã ký kết hoặc tăng cường sản xuất – kinh doanh, đáp ứng nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại thấp thỏm bởi tuyển người trong thời điểm này không hề đơn giản, thậm chí là khó tuyển nhất trong năm…

Việc nhiều, tuyển khó

Theo dự báo của một số sàn giao dịch việc làm, thị trường lao động những tháng cuối năm sẽ khá sôi động, bởi đây là thời điểm, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh nên nhu cầu về nhân lực tương đối lớn. Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng tuyển dụng đối với lao động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, sản xuất – chế biến, giải trí…Trong đó, có nhiều vị trí công việc mang tính chất thời vụ chuẩn bị cho hoạt động sản xuất – kinh doanh trong dịp lễ, tết.

Tết đến gần cũng là thời điểm nhu cầu tuyển lao động thời vụ tăng cao. Những công việc, như: Nhân viên thị trường, bán hàng, phục vụ nhà hàng, quán cà phê, nhân viên làm tóc và dọn dẹp nhà cửa,… cần thêm nhiều lao động. Yêu cầu tuyển dụng người làm công việc thời vụ khá đơn giản: Trung thực, tác phong nhanh nhẹn, giao tiếp và thuyết phục tốt, nhiệt tình trong công việc,... Với mức thù lao được đưa ra là từ 20.000 – 30.000 đồng/giờ, 100.000 – 150.000 đồng/ca (4 – 8 giờ làm việc), hoặc 200.000 – 300.000 đồng/ngày, tùy đơn vị tuyển dụng, nhiều nơi đưa ra mức lương cao hơn 1 – 2 triệu đồng/tháng…

Mặt khác, quý IV hàng năm cũng đã qua mùa tốt nghiệp một khoảng thời gian đủ để người lao động tìm kiếm và ổn định công việc sau khi ra trường. Thế nhưng, cuối năm luôn là mùa cao điểm vì các công ty tung ra các chương trình khuyến mại, kích cầu thương mại doanh nghiệp khó tuyển dụng sẽ phải bổ sung số lượng lao động bán thời gian để đảm bảo yêu cầu sản xuất. Đây là cơ hội tốt cho sinh viên chưa có kinh nghiệm kiếm thêm thu nhập.

Nhu cầu tìm lao động lớn thế nhưng thực tế không ít doanh nghiệp lại phải thấp thỏm bởi tuyển người thời điểm này không dễ...Theo các chuyên gia, thông thường tuyển dụng tại các doanh nghiệp tăng cao do nhu cầu tiêu dùng cuối năm phát triển mạnh, nhưng đây cũng là một trong những thời điểm khó tuyển nhất trong năm. Lý do được đưa ra là vào thời điểm cận Tết, người lao động thường có tâm lý làm đủ thời hạn để nhận thưởng thay vì thay đổi công việc.

Cuối năm: Khó tuyển lao động thời vụ - Ảnh 1.

Người lao động tham gia phỏng vấn xin việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội

Anh Nguyễn Mạnh Hà – Trung tâm Giúp việc Thanh An (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trung tâm đăng tuyển dụng lao động không giới hạn, mức lương tùy thuộc vào từng công việc, lao động làm toàn thời gian thường nhận lương từ 4 – 5 triệu đồng/tháng, lao động giúp việc theo giờ khoảng 50.000 đồng/giờ. Mặc dù, lương cao nhưng không phải lúc nào cũng tuyển được người, nhiều lao động vẫn rất "chảnh", cân đo đong đếm công việc. Có người nhận việc đi làm 3 – 4 ngày lại bỏ vì không chịu được áp lực công việc. "Năm nào chúng tôi cũng đăng tuyển lao động từ trước Tết khoảng 3 tháng, thế nhưng không tuyển đủ bởi nhu cầu khách hàng cần dọn nhà cuối năm rất lớn. Lao động làm thời vụ chủ yếu là sinh viên và người ở quê lên thành phố, nhiều khi tay nghề không có, công ty lại mất mấy ngày để đào tạo." anh Hà cho biết.

Chị Lan Anh – chủ một shop quần áo trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho rằng, tuyển lao động thời vụ còn khó hơn cả tuyển lao động lâu dài. Do cần người lao động nên những cửa hàng kinh doanh như gia đình chị phải linh hoạt thời gian, thuê nhiều nhân viên để dự phòng thay ca vào những ngày cao điểm và trả lương hấp dẫn. Mặc dù vậy, hiện tại cửa hàng của tôi vẫn thiếu 2 nhân viên bán hàng, nếu không tìm đủ người, có lẽ sẽ phải kéo dài tuyển dụng đến giáp Tết.

Doanh nghiệp cần có chế độ lương, thưởng, phúc lợi tốt

Kết quả khảo sát thuộc dự án "Phát triển thị trường lao động và việc làm" do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tiến hành cho thấy, nhóm lao động phổ thông chiếm số lượng tương đối cao trong tổng số các nhóm lao động trên thị trường hiện nay.

Độ tuổi của nhóm lao động này giao động từ 18 - 35 với tỷ lệ nữ giới là 60%, nam giới là 40%. Khi di cư ra các thành phố lớn, nhóm lao động phổ thông có mong muốn tìm được công việc có thu nhập cao hơn. Nhưng do chưa qua đào tạo, không có chuyên môn kỹ thuật, công việc của lao động di cư chủ yếu là những công việc chân tay, không ổn định, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm...

Mặt khác, những lao động đã qua đào tạo thường tìm được công việc ngay tại chỗ nên các doanh nghiệp từ xa về khó tuyển dụng được lao động như mong muốn, trong khi lao động phổ thông thì không đáp ứng được yêu cầu. Điều này tạo nên một nghịch lý rằng dù doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm người thì nhiều lao động phổ thông vẫn cứ tiếp tục thất nghiệp.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, đa phần người lao động phổ thông không đặt nặng vấn đề công việc ổn định. Tâm lý ràng buộc lâu dài, bị bó hẹp trong một khoảng không gian hay thời gian nhất định khiến nhiều người lựa chọn những công việc có tính linh hoạt, chủ động cao.

Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định bên cạnh những đơn vị khó tuyển lao động thì cũng có những đơn vị không bao giờ lo thiếu. Như vậy, để thu hút người lao động, doanh nghiệp phải cần có chế độ lương, thưởng phúc lợi tốt và chủ động hơn nữa trong việc kết nối với các nguồn cung cấp lao động để có được nguồn lao động dồi dào.