Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đa dạng kênh tiếp cận việc làm cho người lao động

Thời gian qua, các Trung tâm dịch vụ việc làm đã đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, chú trọng tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động, chủ yếu là thanh niên tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp…

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông qua các phiên giao dịch việc làm (GDVL) và sàn GDVL, 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động cho 37.714 lao động; số người lao động được phỏng vấn tại sàn là 25.947 người và số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại sàn 10.734 người.

Để có cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích dự báo, thông tin về thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thu thập khảo sát thông tin thị trường lao động . 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tiến hành thu thập thông tin thị trường lao động, với 24.000 thông tin người tìm việc; 12.000 tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Trung tâm đã tổ chức thu thập thông tin và cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của 4.307 doanh nghiệp; tổ chức thu thập, cung cấp thông tin và nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của 50.062 người lao động qua các chỉ tiêu về hoạt động Sàn GDVL.

Để người lao động tiếp cận được thông tin về các phiên GDVL, Trung tâm đã gửi tin nhắn đến 1.500 người lao động các thông tin về tuyển dụng tại các phiên định kỳ thứ 3, thứ 5 hàng tuần, phiên GDVL chuyên đề, lưu động. Đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông về Sàn GDVL qua kênh mạng xã hội Facebook (chia sẻ gần 750 lượt trên các fanpage và 6.300 lượt trên các group)…

Có thể thấy, thời gian qua, thời gian qua, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm đã đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, chú trọng tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động, chủ yếu là thanh niên tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp. Đồng thời, tích cực phối kết hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm dành riêng thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong các nhà trường phổ thông, các cơ sở đào tạo, nhằm kết nối thông tin, nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ việc làm.

Đa dạng kênh tiếp cận việc làm cho người lao động - Ảnh 1.

Tư vấn việc làm cho người lao động tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội

Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay, 64 website của các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH trên toàn quốc đã được kết nối tại Cổng thông tin điện tử việc làm Việc Nam (vieclamvietnam.gov), tạo thành hệ thống và chia sẻ thông tin việc làm trống và thông tin người tìm việc giữa các địa phương. Với các hoạt động được triển khai nói trên, số lao động tìm kiếm việc làm, số doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua hệ thống các Trung tâm đều tăng qua các năm, cho thấy hiệu quả hoạt động dịch vụ việc làm ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc kết nối cung cầu lao động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở mỗi địa phương. Thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm, các Trung tâm đã tạo môi trường thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn và tuyển dụng

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Lê Quang Trung, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện nay cũng chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước; hoạt động phân tích và dự báo thị trường lao động còn yếu kém, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động nói chung, chính sách phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm nói riêng. Bên cạnh đó, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung - cầu lao động; hoạt động của các Trung tâm chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết trở thành một hệ thống kết nối trên phạm vi toàn quốc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm còn hạn chế; tần suất, phạm vi các hoạt động giao dịch việc làm chủ yếu ở khu vực thành thị, tại các khu vực có đông người lao động.

"Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo... giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp. Đồng thời, cần nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động của Trung tâm với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm. ", ông Trung nhấn mạnh.