Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng: Hơn 2.000 nhà giáo tham gia nghiên cứu, thực nghiệm tại doanh nghiệp

Từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, hơn 2.100 nhà giáo tại TP. Đà Nẵng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cử đến doanh nghiệp hướng dẫn sinh viên khám phá thực tế và trải nghiệm môi trường doanh nghiệp.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, việc cử nhà giáo tham gia thực tế tại doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp giúp cho nhà giáo nâng cao kỹ năng nghề, tiếp cận công nghệ mới để phục vụ trong công việc giảng dạy, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố còn mời các doanh nghiệp tập huấn kỹ năng nghề cho nhà giáo.

Dạy nghề nấu ăn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng.

Dạy nghề nấu ăn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng.

Theo đó, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, hơn 2.100 nhà giáo được cơ sở giáo dục nghề nghiệp cử đến hơn 307 doanh nghiệp hướng dẫn sinh viên khám phá thực tế và trải nghiệm môi trường doanh nghiệp; tìm hiểu quy trình, yêu cầu và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, định hướng phát triển bản thân trong quá trình học tập và tham gia sản xuất tại doanh nghiệp;

Tiêu biểu có thể kể đến Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng tổ chức cho giáo viên đi thực tế 2 tháng tại các khách sạn 4, 5 sao như: Furama, Melia, Pullman, Novotel, Seven Sea, Sunlitsea,.. và công ty kinh doanh lữ hành lớn như Vitours; trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng có 4 giáo viên nghề Điện công nghiệp tham gia giảng dạy tại Công ty TTTI khu công nghiệp An Đồn, 4 giáo viên nghề may thời trang và 1 giáo viên Ngoại ngữ tham gia giảng dạy tại Công ty Genton khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, 1 cán bộ Tổng công ty may 28 tham gia giảng dạy tại Trường cho nghề May thời trang. Trường Cao đẳng Thương mại cũng liên kết, mời 45 cán bộ quản lý (giám đốc, trưởng bộ phận) thuộc các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Kế toán - Kiểm toán, Thương mại quốc tế, Du lịch, Quản trị kinh doanh… về thỉnh giảng, báo cáo chuyên đề.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 455 nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề, bậc thợ và tương đương (chiếm 21,44%), trong đó: nhà giáo có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chiếm 17,15%, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề chiếm 3,35%, chứng chỉ bậc thợ chiếm 0,57% và kỹ năng nghề nghiệp khác chiếm 0,38%. Phần lớn đội ngũ nhà giáo chưa được đánh giá về trình độ kỹ năng nghề quốc gia, tỷ lệ nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề quốc gia, bậc thợ và nghệ nhân, trình độ tin học, ngoại ngữ còn thấp.