Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng muốn trực tiếp quản Dự án di dời ga Đà Nẵng

Chính quyền TP Đà Nẵng muốn chủ động trong việc thực hiện Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT.

Ga Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Ga Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Thông tin trên báo Đầu tư, UBND TP Đà Nẵng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, với quỹ đất hoàn trả cho dự án được dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của thành phố. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án trên các khu đất hoàn trả theo đúng quy hoạch của thành phố.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng giao cho địa phương là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để chủ động triển khai công tác chuẩn bị dự án, tổ chức lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng PPP.

Trong giai đoạn trước mắt, UBND TP Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các bộ, ngành Trung ương liên quan thống nhất cụ thể phương án đầu tư; báo cáo đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định.

Vào cuối năm 2017, Bộ Giao thông vận tải từng kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng. Do Dự án có tổng mức đầu tư lớn (5.764 tỷ đồng), việc thu xếp tài chính để đầu tư xây dựng toàn bộ là khó khả thi, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1, Dự án sẽ xây dựng tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 18,26 km; xây dựng ga Đà Nẵng mới với chức năng như ga Đà Nẵng hiện tại; nâng cấp ga Lệ Trạch để đảm nhận khối lượng xếp dỡ của ga Đà Nẵng hiện tại; xây dựng mới 2 cầu đường sắt; 1 cầu đường bộ vượt đường sắt; 4 đường ngang; xây dựng khu đầu máy toa xe tại khu ga mới và hệ thống thông tin tín hiệu đảm bảo phục vụ chạy tàu với tổng mức đầu tư khoảng 3.393 tỷ đồng (khoảng 149,622 triệu USD).

Giai đoạn 2, dự án sẽ xây dựng mới ga hàng hóa Kim Liên; xây dựng cầu vượt tại 4 đường ngang đường sắt; đầu tư đồng bộ hệ thống thông tin tín hiệu với dự án Vinh - Nha Trang với tổng mức đầu tư khoảng 2.371 tỷ đồng (tương đương 102,527 triệu USD).

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị hình thức và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 cho Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng là đầu tư công kết hợp doanh nghiệp tự đầu tư. Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng góp vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khoảng 1.192 tỷ đồng tỷ đồng (đã bao gồm chi phi dự phòng) thông qua khai thác quỹ đất toàn bộ khu vực nhà ga cũ (đấu giá đất theo quy định pháp luật). Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư 86 tỷ đồng (để nâng cấp ga Lệ Trạch) thông qua hình thức Hợp tác kinh doanh; Ngân sách Trung ương góp 2.115 tỷ đồng (chiếm 62,3% tổng mức đầu tư giai đoạn 1).

Ga đường sắt hiện tại của Đà Nẵng toạ lạc trên đường Hải Phòng (trung tâm thành phố). Theo báo VNEXpress, trước đây thành phố đưa ra vị trí di dời nhà ga lên phường Hoà Khánh Nam và phường Hoà Minh (quận Liên Chiểu) nhưng sau nhiều cuộc bàn thảo vẫn không huy động được vốn.

Tháng 11/2019, UBND TP Đà Nẵng đã báo cáo Thường trực Thành uỷ, xin chủ trương di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức BT, tổng mức đầu tư dự án tạm tính hơn 12.000 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu được đồng ý chủ trương sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án song song với việc thành phố xác định vị trí ga mới.