Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk: 5 trường hợp tử vong do bệnh dại

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 5 trường trường hợp tử vong do bệnh dại, sau khi bị chó cắn.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thông tin trên báo Vietnamnet, hôm nay (1/7), bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 5 trường hợp tử dong do bệnh dại.

Trường hợp tử vong mới đây nhất là ông N.V.N (sinh năm 1958, trú thôn 20, xã Ea Riêng, huyện M'Đrắk, Đắk Lắk). Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 23/6, với triệu chứng sợ nước, sợ gió, ăn uống khó, nuốt nghẹn.

Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Trung tâm y tế huyện M'Đrắk với chẩn đoán theo dõi bệnh dại và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị một ngày sau đó. Các triệu chứng trên biểu hiện rõ rệt hơn và 3 ngày sau bệnh nhân tử vong.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk, mẫu xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với virus dại. Kết quả điều tra dịch tế cho thấy, vào tháng 6/2019, bệnh nhân bị chó nhà cắn vào chân trái, sau khi bị chó cắn bệnh nhân không tiêm vắc xin phòng bệnh.

Sau khi xác định bệnh nhân tử vong do bệnh dại, CDC Đắk Lắk đã phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh điều tra, xử lý và tiêm phòng vắc xin cho đàn chó tại thôn 20, xã Ea Riêng (M'Đrắk).

Đồng thời, giám sát chặt chẽ ổ dịch dại trên người tại địa phương và tăng cường công tác truyền thông để người dân về các biện pháp phòng chống bệnh dại, không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng.

Về cách xử trí khi bị chó, mèo cắn, theo báo Sức khoẻ và Đời sống, người bị chó, mèo cắn cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút rồi tiến hành sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode, nhằm làm giảm tối thiểu lượng vi rút xâm nhập nơi vết cắn. Sau đó dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại, tránh băng kín vết thương.

Trong quá trình sơ cứu, tuyệt đối không để vết thương bị trầy xước, bầm dập. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc Nam để điều trị. Sau khi sơ cứu, cần đưa người bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và có chỉ định điều trị thích hợp.